Trường PTDTBT THCS Pu Nhi quản lý, chăm lo học sinh bán trú
Năm học 2023-2024, Trường PTDTBT THCS Pu Nhi có tổng số 537 học sinh, trong đó có 501 học sinh bán trú ăn, ở sinh hoạt tại 18 phòng nội trú trong nhà trường, đa số đều là các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thầy giáo Hoàng Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Pu Nhi cho biết: Để tổ chức bán trú cho học sinh đi vào nền nếp, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch thành lập Ban Quản trị đời sống, tổ chức quán triệt, hướng dẫn các em nội quy, quy tắc ứng xử. Đồng thời, nêu cao tinh thần tự quản của học sinh ở trong khu bán trú.
Nhà trường đã ban hành các quy định, nội quy học sinh, nội quy bán trú đến các em học sinh. Những nội quy, quy chế đã phát huy hiệu quả trong việc duy trì nền nếp và giáo dục cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc xây dựng và thực hiện môi trường giáo dục thân thiện, văn minh.
Để quản lý, chăm sóc học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường thông qua Ban Quản trị đời sống, phân công giáo viên trực tiếp quản lý học sinh ở bán trú 24/24 giờ, kiểm tra sĩ số, việc ăn, nghỉ, hướng dẫn các em đi học đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng ở, an ninh trật tự, tự ôn bài buổi tối...
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất khu bếp ăn, nhà ăn của nhà trường vẫn còn một số khó khăn. Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn cho các em đảm bảo đủ chất, đủ lượng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với kinh phí của Nhà nước hỗ trợ 720.000 đồng/học sinh/tháng, chỉ đủ mua lương thực, thực phẩm. Nhà trường đã tận dụng diện tích đất trống, cải tạo thành vườn rau. Buổi chiều thầy và trò lại cùng nhau tưới rau, chăm sóc vườn giúp các em có lượng rau tươi cung cấp bữa ăn hàng ngày.
Kiểm tra sát sao khẩu phần ăn hàng ngày của học sinh nhằm đảm bảo đầy đủ theo quy định. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lưu mẫu thực phẩm được kiểm soát thường xuyên.
Đối với các em học sinh ở xa nhà trường đều tạo điều kiện cho ở bán trú, với điều kiện là học sinh có nhu cầu, hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Những trường hợp thuộc diện học sinh mồ côi sẽ được ưu tiên trước.
Em Lò Hải Nam, học sinh lớp 8, là người dân tộc Mông nói: "Nhà em ở bản Huổi Tao, cách trường 8Km, đi lại khó khăn. Từ năm học lớp 6 em vào ở bán trú. Ở trường, chúng em được các thầy cô cho ăn uống đầy đủ, sinh hoạt đúng giờ giấc. Chiều thứ 7 hàng tuần, hay cách tuần, bố mẹ mới lên đón về nhưng em không thấy buồn vì ở trường có thầy cô và có nhiều bạn bè, em ở trường được học, được sinh hoạt chung, đông vui lắm"
Từ mô hình bán trú đã góp phần duy trì số lượng học sinh, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, giảm tối thiểu học sinh bỏ học.
Bên cạnh đó, nhà trường còn làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các cấp, chính quyền tuyên truyền vận động học sinh đi học. Tổ chức giao ban chủ nhiệm hàng tuần, kịp thời báo cáo UBND huyện, UBND xã, phòng GDĐT để biểu dương, nhắc nhở, vận động học sinh đi học kịp thời.
Trường PTDTBT THCS Pu Nhi tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng bán trú
Ngay từ đầu năm học, nhà trường bàn giao số lượng học sinh, tỷ lệ chuyên cần cho giáo viên chủ nhiệm quản lý số lượng học sinh, tỷ lệ chuyên cần trong từng buổi học cụ thể. Trong trường hợp lớp không đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, giáo viên chủ nhiệm phải có mặt trong thời gian 15 phút truy bài đầu giờ để liên hệ, vận động học sinh đi học.
Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các trò chơi, hoạt động thể thao, văn nghệ, các hội thi mang đậm nét văn hóa của các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ trong nhà trường để học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hoạt động tập thể.
Tổ chức cho học sinh lao động chăm sóc vườn hoa, cây xanh, khuôn viên nhà trường. Chú trọng công tác vệ sinh nhà trường, đặc biệt là khu vệ sinh cho học sinh trên các lớp học, khu bán trú.
Mô hình trường bán trú là một chủ trương đúng đắn đã góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học, tạo nền tảng để Trường PTDTBT THCS Pu Nhi không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.