dd/mm/yyyy

Trúng mùa hồng ngâm, nông dân Nghệ An thu tiền tỉ

Thời điểm này hồng ngâm Nam Đàn đã chín rộ, người dân đang tập trung cho việc thu hái. Theo bà con, năm nay hồng giá bán cao lại được mùa nên có xã thu về 5 đến 7 tỉ đồng.

Toàn xã Nam Anh (Nam Đàn) có 5/9 xóm trồng hồng, với diện tích gần 100 ha. Ảnh: Huy Thư

Từ nhiều năm nay, hồng được xem là loại cây ăn quả chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho các xã ven núi Đại Huệ (Nam Đàn). Trong đó, xã Nam Anh có diện tích trồng nhiều nhất huyện với hơn 100ha.

Với diện tích hơn 1ha đất vườn đồi, anh Hồ Viết Thắng ở xóm 5, xã Nam Anh đã bố trí trồng gần 100 gốc hồng. Trước đây gia đình anh chỉ trồng có vài ba chục gốc hồng, sau khi thu hoạch thấy hiệu quả kinh tế khá cao nên tiếp tục chiết ghép cành trồng hết diện tích đất vườn.

Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay tỷ lệ đậu quả cao, bình quân mỗi cây cho thu hoạch trên 1 tạ quả, với giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng.


Với sản lượng thu hoạch 300 - 500 tấn quả, mùa hồng năm nay bà con Nam Anh có nguồn thu từ 5 - 7 tỉ đồng. Ảnh: Hồng Sương

"Vùng đất đồi này tôi thấy thích hợp với trồng hồng. Trước đây chủ yếu trồng cây lâm nghiêp, từ khi chuyển sang trồng hồng thấy hiệu quả hơn nhiều. Nhất là hồng Nam Anh đã có thương hiệu nên được các tư thương đến tận nhà thu mua, năm nay sản lượng và giá bán đều được hơn so với năm trước" - anh Thắng cho biết.

Theo bà con, đây là loại cây cho giá trị kinh tế cao mà chưa có cây trồng nào thay thế được bởi hồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng ven núi Đại Huệ, trồng khá đơn giản vì chỉ cần sau khi thu hoạch làm cỏ, xới đất quanh gốc và bón phân 1 đến 2 lần, đến mùa lại cho quả.

Ở Nam Anh, hồng trồng trong vườn nhà, hồng lấn đồi núi trọc. Bà con đã gắn kết, nâng đỡ nhau trong việc trao đổi các kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ thế hồng Nam Anh nói riêng, vùng đồi núi Đại Huệ nói chung nổi tiếng là thơm ngon, ngọt đậm, được thị trường ưa chuộng và trở thành cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao, dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong cả nước.


Hiện thương lái thu mua tại vườn hồng cậy từ 14.000 -17.000 đồng/kg, hồng trứng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Ảnh: Hồng Sương

Đặc biệt, năm nay thời tiết khá thuận nên cây hồng cho quả sai, được tư thương đến tận vườn thu mua với giá ổn định, hồng cậy từ 14.000 -17.000 đồng/kg, hồng trứng 20.000 - 25.000 đồng/kg; Với sản lượng thu hoạch ước đạt 300 - 500 tấn quả, mùa hồng năm nay, bà con Nam Anh có nguồn thu từ 5 - 7 tỷ đồng, đây là con số có ý nghĩa đối với vùng đất đồi này.

Theo ông Nguyễn Thúc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh, hồng là loại cây lưu niên, là cây đặc sản của vùng đất Nam Anh. Hiện toàn xã có 5/9 xóm trồng hồng với diện tích gần 100 ha. Nhờ hợp đất đai, khí hậu nên trồng hồng không tốn nhiều công chăm sóc vẫn đơm hoa kết trái mỗi khi đến mùa thu hoạch”.

Hồng Sương