Nông dân thu hoạch su hào vụ Đông
Những ngày này, trên đồng ruộng các xã của huyện Gia Lộc (Hải Dương) bà con nông dân đang hối hả chăm sóc và thu hoạch rau màu các loại. Bà con rất phấn khởi vì được mùa, được giá.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT Gia Lộc, đến cuối tháng 10.2017 toàn huyện đã gieo trồng được trên 2.000ha, trong đó chủ lực là cây thực phẩm với diện tích 1.750ha. Rau màu vụ đông sớm đang cho thu hoạch. Hiện 1ha bắp cải, su hào nông dân bán cho thương lái trên dưới 300 triệu đồng, 1ha cải thìa, cải dưa trên 200 triệu đồng. Thôn Lúa, xã Đoàn Thượng, nông dân thu bán cần tây, tỏi tây, su hào sớm được trên 10 tỷ đồng. Nhiều xã áp dụng kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp nhất là trồng rau màu có che phủ nilon chống mưa…
Ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTXNN Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn cho hay, bà con xã viên có kinh nghiệm trồng su hào vụ sớm, chủ động gieo cây giống có che phủ nilon chống mưa. Năm nay mưa nhiều, thời tiết mát mẻ, su hào phát triển nhanh, sau trồng 45 - 50 ngày đã được thu hoạch. Từ ngày 15.10 đến nay, thôn Nam Cầu đã bán trên 10ha su hào. Hộ trồng nhiều như ông Hoàng Văn Mạnh có 8 sào bán được trên 80 triệu đồng. Vụ này trồng rau màu có thu nhập cao.
Vụ đông sớm HTX Tân Minh Đức trồng 4ha bắp cải, su hào theo chương trình dự án “Tăng cường độ tin cây trong lĩnh vực SX cây trồng an toàn tại miền Bắc” do tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ. Hiện cây trồng sinh trưởng phát triển tốt hứa hẹn vụ thu hoạch đạt năng suất, chất lượng và giá trị.
Ông Hoàng Anh Thư ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn đang thu hoạch su hào chia sẻ: “Năm nay mưa liên tục, su hào trồng được che phủ nilon đẹp hơn năm trước, lớn nhanh, ít sâu bệnh. Về giá cả, bao đóng 20 củ loại 8 – 8,5kg là 105 nghìn đồng, loại 10kg giá 130 nghìn đồng, mỗi sào su hào thu trên dưới 10 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, giống, thuốc BVTV, khum và nilon còn lãi và công là 9 – 10 triệu đồng".
Cũng theo ông Thư, trồng rau màu mùa mưa có che phủ nilon rất yên tâm, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, mẫu mã đẹp, ít sâu bệnh, giảm phân bón, giảm công lao động, không phải xới xúc… Mặc dù chi phí ban đầu cao nhưng an toàn, lãi nhiều, đầu ra sản phẩm do thương lái tại thôn thu mua, dân trồng bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.