dd/mm/yyyy

Trồng ớt ngọt lãi gấp 10 trồng lúa

Thu nhập cao từ mô hình trồng ớt ngọt trên đất cát bạc màu đã giúp nông dân nhiều vùng quê ở Thừa Thiên - Huế đổi đời.

1 sào ớt lãi bằng 1 mẫu lúa

Trước đây, gia đình ông Phạm Xược ở thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang) thuộc diện khó khăn do đất sản xuất chủ yếu là đất cát bạc màu, cây trồng cho năng suất thấp. Khoảng 7 năm trở lại đây, từ khi chuyển đổi 4 sào đất cát bạc màu ở vùng rú cát sang trồng ớt ngọt, kinh tế gia đình ông Xược phất lên nhanh chóng.

Trồng ớt ngọt trên đất cát bạc màu ở xã Điền Lộc. Ảnh An Sơn

Ông Xược cho biết, hiện mỗi năm ông trồng 2 vụ ớt trên diện tích đất này, có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng xen canh một số cây hoa màu khác như đậu, dưa leo với cây ớt, đưa lại nguồn thu đáng kể. “Mô hình trồng ớt ngọt đưa lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại hoa màu khác, nhờ đó mà gia đình tôi từ chỗ chạy ăn từng bữa đã có cuộc sống khá giả”- ông Xược phấn khởi.

Cùng “ăn nên làm ra” nhờ cây ớt như hộ ông Xược là hàng trăm hộ dân khác ở xã biển Vinh Xuân. Ông Phạm Văn Quy (thôn Xuân Thiên Thượng) cho biết, chỉ với gần 3 sào đất trồng ớt ngọt, mỗi năm gia đình ông có thu nhập gần 90 triệu đồng. “Ớt ở đây sau khi thu hoạch được thương lái đến thu mua tận nhà với giá dao động từ 15.000- 30.000 đồng/kg quả tươi. Ở xã này, trồng một sào ớt có thu nhập hơn một mẫu ruộng”- ông Quy kể.

Không chỉ Vinh Xuân, những năm trở lại đây, người dân nhiều xã vùng cát ven biển và đầm phá khác trên địa bàn Thừa Thiên- Huế cũng đổi đời nhờ mô hình trồng ớt. Hiện ớt được trồng phổ biến ở các xã Phong Hiền, Phong Hòa, Điền Lộc (huyện Phong Điền), Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng An, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), là cây trồng chủ lực giúp nông dân thoát nghèo. Những diện tích đất lúa, rau màu cho hiệu quả kinh tế thấp ở những địa phương này đang dần được chuyển sang trồng ớt ngọt và ngày càng có nhiều vùng chuyên canh ớt được hình thành.

Sống khỏe trên đất bạc màu

Ông Nguyễn Hải (thôn Trung Kiều, xã Quảng Thái) cho biết, trước đây ông và ND ở xã không ai nghĩ có thể trồng được cây ớt trên đất cát bạc màu. Khi trồng rồi mới biết cây ớt có đặc trưng thích ứng với vùng đất cát vì khả năng chịu nắng nóng, hạn hán. “Thực tế cây ớt trồng trên cát rất ít khi bị sâu bệnh và cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều so với tất cả các loại cây trồng khác”- ông Hải tiết lộ.

Cùng với việc hỗ trợ người dân về kỹ thuật, những năm qua, ngành nông nghiệp nhiều địa phương trồng ớt ở Huế đã kết nối doanh nghiệp với DN nhằm giải quyết khâu bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, mô hình trồng ớt đang phát triển bền vững và thu nhập của ND ngày càng tăng lên.

Ở Thừa Thiên - Huế, ớt chính vụ thường được trồng vào khoảng thời gian từ tháng 1 - 3 âm lịch, còn ớt trái vụ từ tháng 7-9 âm lịch. Những diện tích đất cát bạc màu được cải tạo thành những luống đất cao 15 - 20cm, rộng 1,2m để trồng ớt ngọt. Đất được bón phân và được cung cấp lượng nước vừa đủ để đảm bảo độ ẩm, tránh gây ngập úng. Hạt giống sau khi gieo vào bầu cho cây từ 4-5 lá thật thì đem ra trồng theo khoảng cách 50x30cm.

Ông Đoàn Thao - Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phú Vang cho biết, để giúp người ND nâng cao thu nhập bằng việc phát triển mô hình trồng ớt ngọt, ngành nông nghiệp huyện đã có nhiều hỗ trợ thiết thực, trong đó có việc cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn bà con ND trên mọi phương diện.

An Sơn