dd/mm/yyyy

Trong đêm đi săn "vũ nữ chân dài"

Chàng hiu hay còn gọi là chẫu chàng thời gian gần đây được giới ăn nhậu tôn lên hàng đặc sản, nó còn được gọi lóng bằng cái tên khá mỹ miều là …"chân dài". Trước và sau Tết Đinh Dậu, giá “chân dài” bất ngờ tăng vọt khiến nhiều người đổ xô lùng sục khắp các cánh rừng, ao hồ để săn về đem bán.

Mỗi đêm kiếm tiền triệu

Đội đèn lên đầu đi soi bắt "chân dài" cả đêm. Ảnh: Tiến Dũng

Chúng tôi làm quen với Phương, một tay săn “chân dài” có thâm niên ở xã Long Thành (huyện Yên Thành) khi anh ta vừa đi nhập “hàng” cho đại lý về. Phương cho biết: Trước đây con chẫu chàng chẳng ai ăn, nhưng khoảng 6-7 năm trở lại nay với tin đồn thần dược, cứng gân cốt, mạnh sinh lý thì nhiều người tìm đến món ăn này.

Giá chẫu chàng sau tết Đinh Dậu tăng gấp đôi, gấp rưỡi so với trước, lên đến 100 - 150 ngàn đồng/kg. Chính vì cơn sốt giá nên nhiều người sắm đồ nghề nhập môn, lùng sục khắp các cánh rừng, ao hồ, sông suối để săn “chân dài”.

Theo Phương thì loài lưỡng cư này rất khó bắt vì tinh nhạy hơn ếch nên nếu người đến gần sẽ nhảy xuống nước lặn mất tăm, hoặc rụt đầu ẩn mình. Người bắt cần phải có kinh nghiệm, soi đèn phát hiện từ đằng xa mới bắt được.

Phương tiết lộ, cách bắt hiệu quả nhất là dùng vợt dài đi bắt về đêm. Tầm 10-11h đêm trở đi, “ chân dài” mê ngủ, nếu chưa ngủ vẫn bị chói đèn nên nằm im. Khi đó lấy vợt chụp xuống, hoặc chao ngang tùy vào địa hình để tóm gọn “chân dài” cho vào giỏ.

Lúc trời mưa bắt “chân dài” dễ nhất. Bởi đây là mùa sinh sản, chẫu chàng rời nơi trú để đi tìm bạn tình giao phối nên rất dễ bắt .

Chẫu chàng bị săn bắt trong đêm. Ảnh: Tiến Dũng.

Phương hồ hởi khoe “Nhờ cơn sốt giá chân dài mà có đêm tui kiếm được tiền triệu, gấp mấy chục lần làm ruộng. Cả xóm tui đi bắt chân dài. Trong xóm cũng có 2 đại lý thu mua nhập cho các nhà hàng đặc sản. Còn ở xã, huyện thì đếm không xuể”.

Tầm 10h đêm, Phương đội đèn, cầm lao và vợt đi ra dòng sông Biên, nơi có rặng bạch đàn lâu năm để săn “chân dài”. Trời lạnh, tiếng “chân dài” kêu lẻ tẻ, chứng tỏ thời tiết này rất khó săn bắt. Thế nhưng, với kinh nghiệm của mình và tài phóng lao điệu nghệ, chỉ một lát Phương đã tóm gọn hơn 10 “em chân dài” cho vào giỏ.

Dọc bờ sông, chúng tôi cũng chứng kiến hơn chục người đội đèn đi săn chân dài. Theo những tay "thợ săn" thì không riêng Yên Thành mà nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An như Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Đô Lương…,người dân cũng đang ráo riết săn bắt “chân dài” để làm mồi nhậu.

“Chân dài” về đâu?

"Chân dài" được thu gom để mang đi chợ bán. Ảnh Tiến Dũng.

Chẫu chàng có hai chân dài, thịt thơm ngon, chế biến được nhiều món và “đưa” rượu nên được giới ăn nhậu ưa chuộng. "Chân dài" mấy năm trở lại nay bày bán khắp nơi, nhưng hiện đặc sản này có chiều hướng khan hiếm.

Anh Tương - một lái "chân dài" ở Diễn Châu cho biết: Tôi cài cắm “cộng tác viên” ở mỗi làng. Những cộng tác viên này được tôi trả hoa hồng. Họ gom chân dài đủ số lượng thì gọi điện cho tôi đến lấy. Cứ một tuần một lần tôi đưa ô tô đến các xã để gom hàng đưa đi Lạng Sơn bán. Hình như họ mang sang Trung Quốc.

Kiểm tra thành quả sau một đêm "săn bắt". Ảnh: Tiến Dũng

Theo anh Tương thì không chỉ riêng anh mà rất nhiều lái buôn khác cũng đang ráo riết thu mua “chân dài” để bán cho thương lái ở các tỉnh phía Bắc, tạo nên cơn sốt giá “chân dài” chưa từng có từ trước tới nay ở xứ Nghệ.

Đáng lưu ý là chẫu chàng là sinh vật có ích bởi thức ăn chính của chúng là sâu bọ, châu chấu, cào cào - những sinh vật thiên địch của nhà nông. Nếu chẫu chàng bị tận diệt thì hệ sinh thái bản địa sẽ bị đảo lộn, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Tiến Dũng