Đặt dấu chân đầu tiên
Có thể nói, ông Trịnh Văn Tiến là một trong những người đầu tiên đặt chân đến Quèn Thờ. Đó là thời điểm đầu những năm 1990, khi chính sách phát triển kinh tế trang trại còn chưa thành hình, ông đã một mình vác dao, rựa tiến về phía núi khai hoang, lập trại.
“Đó là một quyết định vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều người bảo tôi khùng, lấy trứng chọi đá, nhưng tôi vẫn muốn làm cái gì đó khác người, khi đó, ai cũng mong xây được cái nhà mái bằng, cơm ăn ba bữa, còn tôi muốn tạo dựng được một cơ ngơi cho con cháu đời sau” – ông Tiến nói.
Vậy là sau một thời gian dài cống hiến trong quân ngũ, ông lại lao mình vào một cuộc “chiến đấu” mới, chiến đấu với sỏi, đá, lau lách để gieo mầm sự sống ở nơi “thâm sơn cùng cốc”. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông đã khai hoang, phục hóa được 23ha đất, bắt đầu sự nghiệp làm một nông dân chính hiệu.
“Không thể kể hết được những khó khăn của những ngày đầu lập nghiệp. Bạn cứ tưởng tượng, khi đó, con đường bê tông vào Quèn Thờ chưa hình thành, chúng tôi phải vạch cây cối mà đi, xẻ núi thành đường, bao nhiêu công sức, mồ hôi của vợ chồng tôi đã đổ ở đất này” – ông Tiến nhớ lại những ngày đầu gian khó.
Thời gian đầu, ông chỉ nuôi, trồng các cây – con truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao, năm 2002, nhận thấy thị trường đang rất cần nguồn thực phẩm sạch với các loại con nuôi đặc sản như dê, gà đồi, hươu, nai, nhím, lợn rừng... ông quyết định chuyển hướng. Đây cũng là bước ngoặt đối với kinh tế gia đình ông.
Do nguồn vốn ít, nên lúc đầu ông chăn nuôi theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” với 10 con dê, 5 con hươu, 5 con nhím, 5 con ngựa, vài chục con gà đồi và đào ao thả cá, trồng một số loại cây ăn quả như bưởi, nhãn, vải... Đến nay, trang trại nhà ông đã có 250 con hươu, nai, dê; 110 con ngựa; 100 con nhím; chưa kể lợn cắp nách, gia cầm các loại. Để chủ động nơi tiêu thụ sản phẩm, ông mở hệ thống cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch và nhà hàng ở TP.Tam Điệp. Nhờ cách làm ăn khép kín này, doanh thu của gia đình ông đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 24 lao động.
Trang trại trong mơ
Bây giờ, trang trại nuôi con đặc sản của ông Tiến đã trở thành một khu sơn thủy hữu tình, đẹp như mơ giữa một thung lũng bằng phẳng, bao quanh là núi, có hồ nước xanh thăm thẳm. Con đường dẫn vào trang trại đi qua khu dân cư thôn 12 cũng mướt xanh với những vườn cây ăn quả, những đồi keo trải dài tít tắp, kết quả của một quá trình những người dân nơi đây theo chân ông Tiến khai hoang phục hóa.
Hôm chúng tôi đến, nhìn xung quanh không thấy đàn vật nuôi đông đúc như đã được giới thiệu trước đó, chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Tiến bảo: “Tôi nuôi nươu, dê theo hướng bán hoang dã, ban ngày chúng kiếm ăn trên các vách núi, nhưng chỉ cần nghe tiếng tôi gọi là chúng về ngay”.
Nói rồi ông cầm một thanh gỗ gõ gõ và hô vang: “Cộc, cộc”, giữa không gian tĩnh lặng, tiếng gọi của ông vang vọng khắp núi rừng. Thật bất ngờ, từ sau những mỏm đá, từng chú dê, hươu xinh xắn ngẩng đầu lên, mắt tròn xoe ngơ ngác, rồi lũ lượt kéo về theo tiếng gọi của chủ nhân, khiến bức tranh trở nên sinh động hẳn.
Không dừng lại ở những thành quả đã quá viên mãn này, ông Tiến đang trong quá trình cải tạo trang trại và liên kết với các hộ khác để biến vùng Quèn Thờ heo hút năm nào thành một khu du lịch sinh thái, một loại hình du lịch đang rất phát triển ở Ninh Bình.
Và những việc làm vì cộng đồng
Trong suốt cuộc trò chuyện với ông chủ trang trại này, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi những sáng kiến của ông, trong đó, việc thành lập Hợp tác xã nông sản an toàn Tam Điệp đã mang lại nhiều hiệu quả, cả về mặt kinh tế và xã hội.
Ý tưởng này được hình thành từ năm 2014 khi tỉnh Ninh Bình vận động nông dân nói không với thực phẩm bẩn, ông Tiến vận động bà con xung quanh tham gia liên kết phát triển kinh tế, ông sẽ cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho các gia đình, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ.
Tuy mới thành lập được hơn 3 năm nhưng hợp tác xã đã thu hút được khá đông thành viên tham gia, từ 13 thành viên ban đầu, đến nay, Hợp tác xã đã có 30 hộ tham gia, không chỉ tiêu thụ nông sản cho nông dân xã Đông Sơn mà còn mở rộng ra một số địa phương khác trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Hiện HTX duy trì trên 3.000 con nuôi đặc sản, trong đó tập trung vào các con nuôi có giá trị kinh tế cao như hươu, nai, dê, lợn rừng, lợn cắp nách, ngựa, nhím… Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán gần 40 tấn sản phẩm vật nuôi thương phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
“HTX của tôi quy tụ rất nhiều chủ trang trại trẻ tuổi, họ được tạo điều kiện đi học các lớp về quản trị kinh doanh, thú y, chăn nuôi để chủ động mọi khâu trong quá trình sản xuất, chăn nuôi. Trong HTX còn có doanh nghiệp và hệ thống nhà hàng tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi khép kín” – ông Tiến cho biết.
Không chỉ thành lập HTX giúp bà con tiêu thụ nông sản, ông Tiến còn có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM, giúp vốn, giống cây, con cho nhiều hội viên với trị giá 70 triệu đồng; ủng hộ 200 triệu đồng cho thôn 12 để làm đường giao thông nông thôn; 100 triệu đồng để kéo điện 3 pha và ủng hộ nhiều hoạt động khác của thôn, xã.
Tham vọng sắp tới của ông Tiến là bên cạnh việc xây dựng khu du lịch sinh thái sẽ mở một chuỗi cửa hàng giới thiệu đặc sản Ninh Bình trên địa bàn Hà Nội.