Già Đinh Văn Bớt (76 tuổi, ở thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang) là “chuyên gia” bắt mối đất cho hay, hầu hết người Cơ Tu ở đây đều biết “gọi” mối về. Mùa bắt mối diễn ra nhiều nhất là vào tháng 5, khi những cơn mưa dông đầu mùa đổ về.
“Khi phát hiện có mối cánh, người dân thắp đèn dầu hoặc đèn cầy, cắm giữa cái thau lớn đặt ở nơi thuận tiện ngoài sân, trong thau đổ nước ngập 1/4 cây đèn. Mối thấy ánh sáng bay đến, sà xuống gặp nước, ướt cánh không bay lên được, nên nằm lại trong thau. Nhà tôi vào mùa mối, có đêm bắt được hơn 5kg mối, cái thì phơi khô, cái thì rang ăn liền…” - già Bớt kể.
Ông Phạm Văn Crới (66 tuổi, thôn Éo, xã Ba, huyện Đông Giang), nói rằng những người có kinh nghiệm, trước cơn mưa dông chỉ cần nhìn ổ mối là biết chính xác ụ nào mối ra trước, ụ nào mối ra sau, lượng mối bay nhiều hay ít… Sau đó họ đào lỗ sát ổ mối - nơi mối chui ra. Phía trên chỗ mối ra khoảng 0,4m, người ta giăng bao nylon, phía dưới lót lá chuối. Mối bay lên gặp nylon rớt xuống lá chuối đã hứng sẵn, do lá trơn và mối ướt cánh nên không bò và bay lên được.
Việc bắt mối thường chỉ diễn ra trong vòng nửa giờ, sau đó người dân dùng nước rửa mối nhiều lần cho sạch và vớt ra để cho ráo… Những con mối còn nguyên cánh mỏng, thân dài khoảng 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu, ngực và đầu nhỏ hơn. Khi chế biến chỉ cần bỏ mối cánh vào chảo rang khô cho rụng cánh và sảy hay quạt gió để tách cánh ra chỉ còn thân con mối.
Mối cánh có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn sau đây:
Mối rang: Đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, bỏ vài bát mối vào và dùng đũa khuấy đều, mối khô dần… cho đến khi từ chảo bay ra mùi thơm, mùi châu chấu nướng và những tiếng nổ lẹt đẹt nho nhỏ, báo hiệu mối đã chín. Lúc này, đổ ra mẹt, lấy các ngón tay đảo nhẹ và sảy, hay bật quạt cho cánh mối bay đi, chỉ còn lại thân mối vàng ươm hoặc màu đen.
Mối muối: Khi rang mối, người Cơ Tu cho vào chảo một số muối bột vừa đủ, không mặn quá (gây khó ăn) hay lạt quá (khó để lâu). Rang xong, giã nát với muối bột và ớt khô rồi cho vào ống lồ ô, đậy nút kín để trên giàn bếp. Khi mùa mưa không có thức ăn, mang ra ăn với cơm hoặc làm “bột nêm” nấu canh rau rừng.
Mối xào tà vạt: Cổ hủ (đọt non) của cây tà vạt, người Cơ Tu gọi là “lam tavak”. Cổ hủ tà vạt dùng để nướng, chiên, xào, làm gỏi… hoặc nấu, kho với các loại thịt rừng hoặc tôm, cá rất thơm ngon. Ở vùng núi Đông Giang, khách đến chơi nhà được thưởng thức món mối xào tà vạt. Lấy mối cánh đã làm sạch khử dầu phụng, bỏ vào vài tép tỏi đập dập, khi dầu và tỏi đã bốc mùi thơm, bỏ mối vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị, sau đó đổ cổ hủ tà vạt đã xắt nhỏ vào soong, đảo nhiều lần cho đều; rải đậu phộng rang (giã dập), rau thơm, ớt rừng, tiêu rừng vào. Món xào này ăn vừa giòn vừa thơm.
Mối nấu cháo: Mối cánh sau khi làm sạch thì đảo với dầu ăn và gia vị cho thơm. Bắc nồi nấu cháo nếp hay gạo hoặc sắn tươi chín nhuyễn, cho mối vào nồi cháo, thêm rau thơm như ngò tàu, nêm nếm vừa ăn. Bát cháo mối với màu nâu của mối, màu trắng của cháo, ăn có mùi thơm đặc trưng, bổ dưỡng.
Mối đúc bánh xèo: Nếu đã quá quen thuộc với bánh xèo nhân thịt hay bánh xèo nhân hải sản, thực khách có thể đổi vị món ăn này bằng chiếc bánh xèo nhân mối. Người tráng bánh cần pha chế một lượng bột phù hợp và canh thời gian chính xác để khi bánh chín sẽ có một lớp bánh vàng giòn, thơm ngon. Trong khi đó, “tôm bay” sẽ làm chiếc bánh có mùi thơm, bùi, béo đặc trưng nhưng không ngấy. Bánh xèo nhân “tôm bay” ăn kèm với ớt xiêm và các loại rau rừng rất ngon và đầy hương vị.
Không gì thú vị bằng khi ngoài trời mưa dông, trong nhà mọi người quây quần quanh bếp lửa thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi của các món ăn từ mối cánh và nhâm nhi vài ly rượu cần, rôm rả trò chuyện cùng với người già, lũ trẻ. Du khách qua đây trong mùa mối cánh sẽ may mắn được thưởng thức hương vị thơm ngon của các món từ “tôm bay” này.