Trong chuyển công tác tại huyện Mai Sơn, vô tình nghe được câu nói của một người dân đang nói: "Đây là phần quà hỗ trợ người khó khăn của cửa hàng Hiếu Nghĩa phía trên kia kìa..". Đưa mắt nhìn sang bên cạnh- nơi có giọng nói, hình ảnh làm tôi chú ý là hai người phụ nữ đi bộ, (tay mỗi người xách một túi mì giống nhau), đang chỉ về phía ngược lại cho một phụ nữ khác với dáng người khắc khổ…
Đi theo hướng mà hai người phụ nữ vừa chỉ. Đi sát vào mép đường, chầm chậm quan sát hai bên đường, để tìm đến cửa hàng Hiếu Nghĩa. Không khó để tìm ra, qua ngã tư Nông trường khoảng 400m về phía Hà Nội, tôi thấy bên kia đường có mấy cái giá tầng màu xanh xếp gọn gàng các túi quà, giống với túi quà mà tôi vừa nhìn thấy hai người phụ nữ lúc ban nãy xách. Bên trên giá là 2 tấm biển với những dòng chữ được viết bằng tay, được bày trước ngôi nhà 2 tầng gắn tấm biển có dòng chữ Hiếu Nghĩa khá to.
Dừng lại một lúc ở đường bên này, nhìn sang, tôi thấy có một người đàn ông dáng người khắc khổ và hai đứa trẻ đi đến. Một người phụ nữ tóc ngắn đeo kín khẩu trang từ trong cửa hàng bước ra. Họ nói gì đó với nhau. Rồi sau đó, người đàn ông ấn lấy dung dịch sát khuẩn tay, người phụ nữ cúi xuống ghi chép rồi nhanh nhẹn cầm túi quà trên giá, bằng hai tay, trao cho người đứng trước mặt.
Cho xe chạy sang đường, tôi đến gần và hỏi chuyện người đàn ông vừa nhận quà. Ông nói: "Tôi là Hà Văn Kiến, nhà ở tiểu khu 19. Được một người quen gọi điện cho và bảo đến đây nhận quà. Tôi cũng ngại lắm. Nhưng được chị kia hỏi tôi nhẹ nhàng và đưa quà cho tôi, lại còn chúc tôi mạnh khỏe, tôi cảm động lắm, cảm ơn cửa hàng nhiều".
Đến gần nơi chị phụ nữ tóc ngắn ngồi - người vừa trao phần quà để hỏi chuyện, được biết chị là Lê Thị Bích Phượng, nhân viên của cửa hàng Hiếu Nghĩa. Chủ cửa hàng là vợ chồng anh Lê Đức Hiếu (1973) chị Lê Thị Nghĩa (1976).
Trò chuyện với anh chị, tôi hỏi "xuất phát từ suy nghĩ gì mà anh chị đã có những phần quà tặng như vậy", anh Hiếu nói: "Cửa hàng nhà tôi chuyên kinh doanh phụ tùng ô tô và dầu mỡ nhờn dành cho xe ô tô, xe tải và xe máy…Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các hộ kinh doanh, sản xuất đều có ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng tôi thấy, với chúng tôi còn đỡ, những người dân đi làm thuê công nhật, phải lo từng bữa ăn trong ngày, bây giờ phải ở nhà do dịch Covid-19 thì thực sự vất vả lắm...".
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hiếu bảo: "Việc kinh doanh thì bao nhiêu thời gian cũng vẫn là thiếu. Nhưng đã nhiều năm nay, vợ chồng tôi vẫn dành thời gian, cùng với các anh, chị em, bạn bè khác, lập thành nhóm đi giúp đỡ những người ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc vùng bị thiên tai bão lũ và tham gia ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật cho các tổ chức làm công tác từ thiện xã hội".
Quay sang tôi, chị Nghĩa nói: "Đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn, tuy mỗi xuất quà không nhiều, nhưng vợ chồng tôi cũng mong có thể chia sẻ phần nào những khó khăn với họ".
Đang trò chuyện, tôi thấy có hai người phụ nữ đi xe máy đến nhưng không phải là người đến nhận quà. Sau khi vào nhà và bỏ mũ bảo hiểm, tôi nhận ra một trong 2 người chính là cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dung- giáo viên mầm non xã Tà Hộc, người đang cùng các cô giáo, hàng xóm làm mặt nạ chống dịch Covcid-19 để tặng các bác sỹ của bệnh viện huyện và chiến sỹ ở các đồn biên phòng- những người nơi tuyến đầu chống dịch.
Tôi thực sự cảm động trước tinh thần tương thân, tương ái, những việc làm đầy trách nhiệm, chứa chan tình người của những người như cô giáo Dung, những người kinh doanh như anh Hiếu, chị Nghĩa và của rất nhiều người trong mọi miền đất nước đang cùng chung tay giúp đỡ đồng bào mình trong đại dịch Covid-19.
Khi tôi hỏi tại sao lại phải ghi lại danh sách, địa chỉ, số điện thoại của những người đến nhận quà, chị Nghĩa nói: "Với mong muốn có thể giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, không chỉ là con cá mà là cần câu cơm. Tôi ghi lại danh sách, số điện thoại, để nếu có may mắn công việc kinh doanh phát triển với quy mô lớn hơn hoặc mở rộng thêm một lĩnh vực nào đó cần đến lao động. Tôi có thể liên hệ lại với những người này, biết đâu một lần nữa chúng tôi có thể giúp họ tìm được việc làm phù hợp".