Những thiệt hại đầu tiên do bão số 10 gây ra. Ảnh minh họa
Trung tâm dự báo KTTV Trung ương cho biết, bão số 10 (tên quốc tế Doksuri) dự báo sẽ đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình sáng 15.9 với sức gió đạt cấp 12-13 (115-150 km/h). Bốn tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi gió bão từ sáng mai mạnh từ cấp 7-8 đến cấp 11-12, có thể giật cấp 15 nơi tâm bão đi qua.
Các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An mưa lớn 100-300 mm, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm.
Cây xanh đổ đè bẹp ô tô biển xanh. Ảnh Báo Thừa Thiên Huế
Các tỉnh miền Trung đang căng mình chống bão. Chiều qua (14.9), tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã xảy ra một cơn lốc khiến 31 căn nhà bị tốc mái.
Cùng ngày, do ảnh hưởng của bão số 10 khiến mực nước suối dâng cao, ông Ngô Văn Hiển (38 tuổi, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đã bị nước cuốn khi băng qua đây vào khoảng 8h sáng. Đến 14h, thi thể của ông Hiển đã được tìm thấy.
Trước đó, cháu Nguyễn Viết Sáng (3 tuổi, ở thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) cũng đã bị sóng biển cuốn trôi khi ra biển chơi, hiện chưa rõ tung tích.
Chiều 14.9, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II cho biết, trên hành trình đi tránh trú bão số 10, tàu ĐNa 90875TS do ông Nguyễn Cu (trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, bị hỏng máy lúc 09h00 ngày 14.9 ở vùng biển Thừa Thiên Huế.
Dưới tác động của gió bão, tàu hiện đang trôi dạt về phía đông với tốc độ nhanh (gần 3 hải lý/giờ). Lúc này, thời tiết khu vực đang diễn biến rất phức tạp, sóng cao 3 đến 4 mét do ảnh hưởng của cơn bão số 10 đang tiến vào đất liền, 11 thuyền viên trên tàu hoang mang hoảng loạn vì không có khả năng chống đỡ trước gió bão, thuyền trưởng đã liên lạc yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II đã lập tức điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn.
Tàu SAR vượt bão đưa các ngư dân vào bờ an toàn. Ảnh minh họa
Tại Hà Tĩnh, từ chiều và đên 14.9 đã bắt đầu có mưa nhỏ, gió nhẹ. Hiện tại, chưa ghi nhận thiệt hại do bão số 10 gây ra. Lãnh đạo tĩnh cũng đã họp trực tuyến với lãnh đạo các huyện, xã và yêu cầu người dân chằng chéo nhà cửa, di chuyển về nơi an toàn.
Theo kịch bản của tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến tỉnh sẽ di dời 110.000 hộ dân, với 280.000 người dân ở các địa bàn huyện, xã. Tối 14/9, các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên đã và đang di dời người dân ở vùng ven biển, vùng xung yếu vào nơi an toàn.
“Cơ bản đến khoảng 8h sáng 15.9, chúng tôi sẽ di dời xong toàn bộ người dân vào vùng tránh trú bão an toàn. Trong đêm, lãnh đạo ở các địa phương, đội ngũ bác sĩ sẽ trực 24/24h để ứng phó khi bão đổ bộ”, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Tại tỉnh Nghệ An, Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, lãnh đạo ngành đã có công văn khẩn gửi Phòng GD-ĐT các huyện, Ban giám hiệu các trường trên toàn tỉnh Nghệ An yêu cầu cho toàn bộ học sinh bậc từ Mầm non đến Phổ thông trung học nghỉ học từ chiều 14.9 để phòng tránh cơn bão số 10.
Tất cả các trường ở bậc học từ Phổ thông Trung học trở xuống, dừng tổ chức giảng dạy để đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo đó, có khoảng hơn 700.000 học sinh ở Nghệ An phải nghỉ học tránh bão số 10.
Tàu vào trú bão tại Cảng cá Thạch Kim, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ảnh minh họa
Tại khu vực thị xã Cửa Lò hầu hết các tàu thuyền đã tìm được nơi trú tránh an toàn. UBND thị xã Cửa Lò đã ra thông báo nghiêm cấm du khách tắm biển từ chiều 14.9. Người dân đang gấp rút chẳng chống bảo vệ nhà cửa.
Do ảnh hưởng của bão số 10, từ ngày 14.9, Vietnam Airlines đã dừng khai thác 9 chuyến trên các đường bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng/Huế; từ TP HCM đi Đồng Hới/Huế/Đà Nẵng và ngược lại.
Ngày 15.9, hãng tiếp tục hủy 13 chuyến trên các đường bay từ Hà Nội/TP HCM đi Huế/Đà Nẵng và ngược lại; hủy 2 chuyến bay giữa Đà Nẵng và Đà Lạt.
Hãng Vietjet Air cũng đã ngừng khai thác 4 chuyến bay trong ngày 14.9 đến miền Trung, tập trung ở chặng TP HCM - Chu Lai.
Hãng Jetstar Pacific hủy 4 chuyến bay giữa TP HCM đi Chu Lai, Đồng Hới và ngược lại. Ngày 15.9, Jestar Pacific cũng sẽ dừng khai thác 12 chuyến bay giữa TP HCM đến các tỉnh miền Trung và giữa Huế - Đà Lạt, Đồng Hới – Chiang Mai (Thái Lan).