Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến phòng chống bão số 10
Trước diễn biến nguy hiểm của bão số 10, sáng nay (14.9), phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 10.
Bão tăng cấp hướng thẳng miền Trung
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 10 đang hướng thẳng vào nước ta, hoàn lưu bão rộng tới trên 500km2. Đến chiều 13.9, cấp độ rủi ro thiên tai của cơn bão này đã lên đến cấp 4 trong số 5 cấp độ, chỉ sau cấp thảm hoạ.
Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, cho đến 7h sáng nay 14-9, tâm bão cách điểm gần nhất đất liền nước ta là Đà Nẵng khoảng 500km, cách Hà Tĩnh 700km, bão cấp 11, giật cấp 14.
"Qua theo dõi của các đài dự báo trên thế giới về vị trí di chuyển, đổ bộ, cơ quan dự báo của Trung Quốc cho rằng bão mạnh lên cấp 15, Hong Kong cũng cho rằng bão mạnh cấp 15, Hoa Kỳ cho rằng bão mạnh cấp 15 và giật cấp 17" - ông Cường nói.
"Khoảng chiều tối mai 15-9 bão sẽ đổ bộ vào các khu vực kể trên nhưng trước đó có thể chịu ảnh hưởng từ gió giật. Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị là những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp, bão cấp 11, giật tới cấp 15" - ông Cường cho biết.
Chạy đua với bão tính từng giờ
Các tỉnh miền Trung đang tập trung cao độ để phòng chống bão số 10.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết đã quyết định cấm biển từ 7h sáng ngày 14.9. Đến giờ Nghệ An còn 887 phương tiện hoạt động ở ven biển Nghệ An, 138 phương tiện còn hoạt động bên ngoài tỉnh, đều đã nhận được thông tin về vị trí của bão, đang trên đường vào bờ.
"Trường hợp một tàu cá bị đâm vào đá ngầm, lực lượng biên phòng đã đưa các thuyền viên vào bờ an toàn" - ông Đường thông tin. Tỉnh này cũng đang tập trung xử lý các hồ chứa phòng trường hợp mưa to, đồng thời có phương án chống ngập úng ở đô thị.
Các tỉnh ven biển kêu gọi tàu thuyền vào trú bão và cấm biển. Ảnh minh họa
Chủ tịch Nghệ An cũng kiến nghị Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều tàu cứu hộ cứu nạn có công suất lớn vào cảng Cửa Lò để sẵn sàng cứu hộ khi cần thiết.
Còn tại Hà Tỉnh, theo ông Đặng Ngọc Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã hoãn tất cả các cuộc họp để dồn toàn bộ lực lượng phòng chống bão, cấm biển từ 17h chiều 13.9
Lo lắng lớn nhất của tỉnh này là 8.000ha cây ăn quả đang được mùa, có nguy cơ thiệt hại nếu bão vào mạnh. Tỉnh cũng đã chuẩn bị kịch bản di dời hơn 28.000 dân tại 13 huyện, thị xã.
Người dân gấp rút gia cố nhà cửa chuẩn bị chống bão. Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cũng cho biết đang kêu gọi toàn bộ hơn 8.500 tàu thuyền đánh cá vào bờ, khó khăn lớn nhất là những tàu có công suất trên 300CV chưa có chỗ neo đậu. Quảng Bình cũng xác định phải di dời hơn 20.000 hộ dân.
Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã quyết định cho học sinh tất cả các trường nghỉ học từ chiều 14.9.
Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thừa Thiên - Huế cho biết toàn bộ 688 tàu thuyền của tỉnh đến 10h sáng nay sẽ về nơi trú ẩn, và tổ chức cấm biển. Tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán gần 27.000 hộ dân vùng có khả năng ảnh hưởng nặng.
Các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng đã mở toàn bộ cửa van để nước lũ tràn tự do. Ba hồ chứa lớn nhất trên lưu vực sông Hương đã chuẩn bị dung tích hơn 496 triệu m3 để chứa lũ.
Cơn bão mạnh nhất 10 năm qua
Tại phiên họp trực tuyến cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh bão số 10 dự báo là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua.
Ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, cảnh báo khi bão đổ bộ chiều tối 15.9, thuỷ triều ở khu vực cửa Hội (Nghệ An - Hà Tĩnh) có thể dâng khoảng 1,8-2m, có nguy cơ đe dọa đê biển, nhất là những điểm xung yếu.
"Tôi yêu cầu tập trung đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển, từ kiểm đếm đến di chuyển khỏi các khu vực nguy hiểm, di chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm. Và ngay trong ngày 14.9 phải thực hiện đồng loạt cấm biển" - Phó thủ tướng chỉ đạo.
Phó thủ tướng cũng lưu ý việc thu hoạch lúa, hoa màu, đảm bảo an toàn cho lồng bè, nhà nổi, sơ tán triệt để người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chằng chống nhà cửa, bảo đảm cung cấp điện và sẵn sàng phương án khắc phục sự cố mất điện trong thời gian ngắn nhất.
"Không cho phép chủ quan" - ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Được biết, ngay sau phiên họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ bay vào Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 10.