Sơn La là tỉnh miền núi có khí hậu ôn hòa, nhiều rừng, cây cối, nguồn hoa phong phú đa dạng. Đặc biệt ở đây nhiệt độ quanh năm mát mẻ, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của các loại thực vật, nguồn nguyên liệu dồi dào cho ong lấy mật nên có thể nuôi ong quanh năm. Nhất là chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc của tỉnh Sơn La trong những năm qua đã tạo ra một vùng cây ăn quả rộng lớn thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Từ lợi thế này, nhiều người nông dân đã chọn nghề nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Trong đó, mô hình nuôi ông của ông Hồ Văn Sâm là một điển hình.
Trao đổi với phóng viên Trang trại việt, ông Sâm cho biết: Ông quê ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ông bắt đầu lên Sơn La nuôi ong từ những năm 1965 và được tỉnh Sơn La phân công cho làm nhiệm vụ nghiên cứu nuôi ong. Suốt thời gia dài ông luôn trăn trở tìm cách để phát triển nghề nuôi ong ở Sơn La. Trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi ong, vừa nuôi vừa học tập nâng cao kinh nghiệm, từ thực tiễn đã giúp cho ông có một bề dày kiến thức về nuôi ong lấy mật.
Năm 1980, ông Sâm được bổ nhiệm làm giám đốc Công ty ong Sơn La và ông cũng là người đầu tiên đưa giống ong mellifera, giống ong thuần nhập ngoại có nguồn gốc từ nước Ý đang được nuôi phổ biến trên khắp thế giới về nuôi tại Sơn La. Nuôi giống ong mellifera nhập ngoại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng mật loại ong này tạo ra từ 30 - 50kg mật/đàn/năm, trong khi giống ong nội chỉ đạt 5 – 8 kg mật/đàn/năm. Bên cạnh đó, ong mellifera có tính ổn định cao giúp người dân thuận tiện trong việc chăm sóc, khai thác mật.
Tính đến nay, ông Sâm đã gắn bó với nghề nuôi ong hơn 50 năm và là một trong những người đầu tiên đóng góp cho sự phát triển của nghề nuôi ong ở Sơn La. Và ông cũng là một trong những người đưa thương hiệu sản phẩm mật ong Sơn La đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ông Sâm không chỉ nuôi ong mà ông còn tham gia nghiên cứu về ong. Theo ông để nuôi được ong mật, người nuôi phải am hiểu về đặc tính sinh học, kĩ thuật chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho ong... bởi nghề nuôi ong không đơn giản.
Theo ông Sâm, nuôi ong ngoài khai thác mật còn có thể khai thác nhiều sản phẩm khác từ ong như: Phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, nhộng ấu trùng ong... Nhờ nghề nuôi ong lấy mật và khái thác các sản phẩm khác từ ong đã giúp những hộ nuôi ong có thu nhập khá cao từ vài trăm triệu đồng trở lên. Riêng gia đình ông Sâm luôn nuôi ổn định từ 800 - 1000 đàn, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn mật ong. Từ nuôi ong gia đình ông đã trở thành một trong những hộ khá giả trong vùng. Không chỉ nuôi ong tại gia đình mà ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người muốn học hỏi, gắn bó với nghề nuôi ong.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng gần 1.300 hộ nuôi ong với gần 80.000 đàn ong, cho sản lượng mật và phấn hoa khoảng từ 4.000 - 5.000 tấn/năm. Trung bình hộ nuôi khoảng 50 đàn, hộ nuôi nhiều từ 800 - 1000 đàn. Trên thị trường hiện nay mật ong có giá bán từ 150.000 – 300.000 đồng/lit, giá bán phấn hoa từ 80.000 - 150.000 đồng/kg. Nghề nuôi ong đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Nhờ tận dụng các lợi thế của tự nhiên và áp dụng các biện pháp kĩ thuật tiên tiến vào nuôi dưỡng, chăm sóc ong nên mật ong Sơn La luôn cho chất lượng cao, có mùi vị thơm ngon. Đặc biệt là phương pháp "hạ thủy phần" ứng dụng công nghệ lắng, lọc để làm giảm tỉ lệ nước trong mật, nâng cao chất lượng mật, được người tiêu dùng ưa thích.
Vừa qua, sản phẩm mật ong của ông Sâm đã được tỉnh Sơn La lựa chọn là sản phẩm đặc trưng địa phương trong chương trình OCOP năm 2019. Sản phẩm được dán nhãn mác đóng bao bì. Ngoài ra, năm 2014 sản phẩm mật ong Sơn La còn được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Qua đó, đã và đang làm tăng thêm giá trị, uy tín của mật ong Sơn La đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.