Theo đó, tỉnh chú trọng khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống từ lâu đời đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền, bao gồm nghề truyền thống tranh giấy làng Sình, nghề truyền thống làm diều Huế, nghề truyền thống gốm Phước Tích, nghề truyền thống rèn Hiền Lương, nghề truyền thống rèn Cầu Vực.
Bên cạnh đó, tỉnh có kế hoạch khôi phục để phát triển một số nghề và làng nghề như chế biến nông, lâm, thủy sản (nghề chế biến tương măng Phong Mỹ), nhóm nghề và làng nghề thủ công mỹ nghệ (nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch, nghề truyền thống nón lá, nghề truyền thống may áo dài Huế, các nghề truyền thống sơn mài, khảm trai, khảm xương, các nhóm nghề đan lưới, chổi đót, tăm hương…).
Các địa phương tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống (chủ yếu là nghề dệt zèng) của các đồng bào dân tộc tại 2 huyện miền núi là Nam Đông, ALưới.
Ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế cho biết, định hướng và giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trong thời gian tới là kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Tỉnh phát triển nghề truyền thống và làng nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,…
Tỉnh hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất từ nghề; tập trung khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động… nhằm góp phần tích cực giải quyết việc làm để nâng cao đời sống và thu nhập cho cư dân ở các địa phương.
Những năm gần đây, địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều nghề mới tiếp tục du nhập, phát triển đa dạng ở nông thôn như cơ khí, sửa chữa điện - điện tử, sửa chữa xe máy, cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng, sinh vật cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, đá…), dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu đời sống dân cư và nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Thống kê toàn tỉnh hiện nay có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa.
Thông qua các chương trình, dự án khuyến công và từ nhiều nguồn kinh phí khác, cùng với các chính sách hỗ trợ nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của địa phương, một số nghề truyền thống và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bước đầu đã được khôi phục và bảo tồn (như làng nghề truyền thống gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình…).
Một số làng nghề như mây tre Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, chế biến bún bánh Ô Sa, Vân Cù, chế biến thủy hải sản An Dương, Làng Trài… được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại phát triển khá tốt.
Đáng chú ý, sự phát triển các ngành nghề trong nông thôn ở Thừa Thiên - Huế đã góp phần giải quyết việc làm, đặc biệt là lao động nông nhàn, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động ở các vùng nông thôn và làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công nhận 30 làng nghề (2 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống) tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố.
Các làng nghề này đã thu hút 4.036 hộ với khoảng 8.663 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, tạo ra giá trị 374.000 triệu đồng/năm...