dd/mm/yyyy

Thu nhập hàng tỉ đồng nhờ nuôi tôm công nghệ Biofloc

Lần đầu tiên tại Khánh Hòa đã xuất hiện một mô hình nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc. Công nghệ này đã giúp người dân có thu nhập hàng tỉ đồng.

Đoàn TTKNQG và các hộ nuôi tôm thăm quan mô hình  nuôi tôm công nghệ Biofloc của gia đình ông Lê Minh Chính

Trong khuôn khổ diễn đàn Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống tại các tỉnh miền trung” do TTKNQG tổ chức tại Khánh Hòa tháng 4 vừa qua, các đại biểu đã có dịp thăm quan mô hình áp dụng công nghệ nuôi tôm Biofloc trên địa bàn.

Với công nghệ Biofloc không những khắc phục được hạn chế trên mà còn giúp năng suất tăng đáng kể, bình quân đạt 5 tấn/vụ/1.000m2. Hiện toàn tỉnh, có khoảng 2.000ha diện tích nuôi tôm, nhưng chỉ khoảng 50ha được áp dụng nuôi tôm công nghệ cao và công nghệ lót bạt.
Ông Huỳnh Kim Khánh

Ông Huỳnh Kim Khánh – Giám đốc TTKN Khánh Hòa nhận xét: Mô hình nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất. Ưu điểm là, dễ dàng áp dụng, năng suất cao, khi vận dụng vào thực tế rất phù hợp với người nuôi tôm.

Theo ông Khánh, trước đây người dân ở địa phương hay nuôi theo hình thức quản canh, quản canh cải tiến, nên chỉ thu hoạch vỏn vẹn chỉ từ 5 tạ - 1 tấn/vụ/1.000m2 nên bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro lớn, không quản lý được môi trường. Từ đó, dẫn đến sức khỏe tôm không tốt, dịch bệnh dễ xảy ra nên năng xuất không cao.

Tại trang trại nuôi tôm Chính Mỹ (xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), ông Lê Minh Chính - chủ trang trại này phấn khởi cho biết: Trước đây nghề nuôi tôm của gia đình gặp không ít khó khăn, do thường xuyên đối mặt với diễn biến thời tiết thất thường, nên dịch bệnh hay xảy ra trên con tôm, nhiều vụ liên tiếp bị thất bại. Kể từ khi áp dụng công nghệ Biofloc đã giúp năng suất tôm tăng đáng kể, giảm công lao động và đặc biệt cho lãi cao.

Hai năm liên tiếp, 2015 – 2016 đều mang lại kết quả rất khả quan. Với diện tích 6.600m2 (tương đương 5 ao nuôi, bình quân năng suất đạt 80 tấn/năm, kích cỡ trung bình 70 con/kg, doanh thu 5 tỉ đồng/năm. Ông Chính khẳng định: “Mô hình mang lại nhiều ưu điểm, ít dịch bệnh, dễ làm, kỹ thuật không khó, quan trọng hơn là dễ quản lý”.

Ông Chính chia sẻ quy trình làm công nghệ Biofloc: Khâu đầu tiên phải xử lý sạch ao nuôi, hệ thống đáy ao phải lót bạt. Tiếp theo, xử lý và làm màu cho nước. Nước ao nuôi được xử lý bằng chlorin với nồng độ 30ppm, quạt nước liên tục từ 5- 8 ngày cho chlorin bay hết thì gây màu cho ao nuôi.

Ông Chính đang thực hiện quy trình nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc.

Quy trình gây màu bằng cách, dùng 5kg thức ăn số 0, 10kg mật đường, 500g vi sinh hiếm khí ngâm trong nước ngọt và sụt khí trong vòng12- 24 giờ, sau đó đánh xuống ao vào thời gian buổi sáng. Đánh đến khi màu nước đạt như mong muốn, màu vàng nâu. Quy trình này phải xử lý trước 5 ngày rồi mới thả tôm, mật độ nuôi từ 150 – 200 con/m2 ở ao nuôi và 500 – 700 con ở ao ương.

Với giai đoạn tôm còn nhỏ (từ 1- 30 ngày tuổi) cho tôm ăn bằng tay và trên 30 ngày tuồi thì cho ăn bằng máy tự động. Hàng ngày phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố về môi trường như: oxy, PH, nhiệt độ, No2…Mỗi năm, gia đình ông Chính nuôi từ 3- 4 đợt. Nhờ thực hiện đúng quy trình nên thu nhập của gia đình ông ổn định.

Cái khó nhất của mô hình này là nước trong ao phải sạch và luôn luôn chảy, ao phải lót bạt. Nếu làm tốt công nghệ này thì mới hạn chế được dịch bệnh và đảm bảo được an toàn thực phẩm. Mô này cần được phổ biến rộng rãi cho người dân học tập kinh nghiệm.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKNQG.
Tâm Công