Người dân vùng hồ Thác Bà đều biết đến và cảm phục anh - một người dám nghĩ, dám làm, không quản thất bại để thành công với nghề nuôi cá lồng.
Chúng tôi ra thăm những lồng cá của anh Thịnh dịp nước hồ rất cạn. Anh Thịnh nói: “Mùa nước cạn từ tháng Ba đến tháng Bảy nên phải kéo lồng ra đảm bảo độ sâu từ 8 đến 10m - là điều kiện để cá phát triển tốt nhất. Hiện nay, gia đình có chín lồng cá, trong đó bốn lồng nuôi cá lăng, hai lồng cá ngạnh, còn cá rô phi đơn tính, cá tầm và cá diêu hồng mỗi loại một lồng”.
Anh Thịnh (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm cá lăng nuôi tại hồ Thác Bà
Rời lồng cá rô phi đơn tính và cá diêu hồng, chỉ tôi sang lồng cá lăng, anh Thịnh khoe: “Cá lăng bây giờ được xem là con cá chủ lực để làm giàu đấy, mua cá giống lúc chỉ bằng điếu thuốc lá, vậy mà nuôi 1 năm, cho trọng lượng gần 3 kg/con, thậm chí có con đạt đến 4 kg. Thịt ngon, loại cá này rất phù hợp nuôi trong nước hồ Thác Bà, vì môi trường nước còn sạch”.
Anh Nguyễn Đức Thịnh
Tôi hỏi giá thức ăn cho loại cá này, anh Thịnh trả lời ngay: “Trước đây thì đắt, có thời điểm lên đến 40 ngàn đồng/kg, nay giảm xuống còn hơn 20 ngàn đồng/kg. Bắt đầu nuôi từ bé, cho đến khi xuất bán, trừ tất cả chi phí, có lãi gần 200 ngàn đồng/con.
Anh Thịnh nói về giống cá lăng: “Giống cá này thịt đậm mà ngon lắm, môi trường nuôi nó cũng đòi hỏi nước sạch, giá trị kinh tế gấp 3 lần các loại cá thông thường khác. Đầu ra chủ yếu ở thị trường Hà Nội, hàng năm họ nhập của gia đình gần 10 tấn, trừ chi phí riêng cá lăng tôi bỏ túi gần 200 triệu đồng”.
Câu chuyện về nghề nuôi cá lồng của anh Thịnh, nghe thoạt đầu cứ tưởng chỉ có “xuôi chèo mát mái”, vậy mà anh bảo cũng ối phen lao đao tưởng chừng như phá sản. Năm 2012, khi lứa cá tầm chỉ còn một tháng là cho thu hoạch thì chiều hôm đó, một cơn giông lốc gió giật mạnh đã xé nát 5 lồng cá tầm, thiệt hại lên tới trên 700 triệu đồng. Tiếc của, xót xa bao nhiêu công sức thả xuống “hồ không đáy”, anh Thịnh ốm nằm mất 1 tuần.
Gần đây, năm 2014, do thời tiết nắng nóng kéo dài, 3 lồng cá tầm đều bị bệnh xuất huyết ngoài da, mình đỏ rồi chết hàng loạt, thiệt hại ước tính trên 400 triệu đồng. Kinh tế từ bao nhiêu năm tích lũy mà rồi trắng tay, cùng với đó là mang theo khoản nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng. Nhiều đêm mất ngủ, anh bàn với vợ vay mượn thêm bạn bè, anh em họ hàng để vực lại nghề cá. Được sự giúp đỡ của nhiều người, anh lại tiếp tục đóng lồng nuôi cá.
Anh Trương Quang Dũng
Không chỉ làm kinh tế cho bản thân, anh Thịnh còn giúp nhiều người dân trong thôn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giàu từ nghề nuôi cá lồng. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Hải, trước đây gia đình chị có ao cá gần như bỏ hoang, nhưng được anh Thịnh vận động giúp đỡ và hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, những năm gần đây, gia đình chị hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi cá.
Gia đình anh Nguyễn Văn Diện, cùng thôn cũng vậy, trước đây là hộ nghèo, vợ chồng không có việc làm, suốt ngày đi làm thuê vất vả. Anh Thịnh đến tận nhà động viên, hỗ trợ cá giống, lưới quây để nuôi cá giờ cuộc sống đã ổn định. Được biết, tháng 6/2015, anh Thịnh cùng 8 thành viên khác đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng Thủy sản Thác Bà.
HTX đi vào hoạt động với vốn đăng ký 2 tỷ đồng, đã và đang triển khai đóng mới 30 lồng cá, trong đó 22 lồng cho nuôi cá lăng, còn lại là nuôi cá rô phi đơn tính, cá tầm, cá trắm cỏ và cá diêu hồng. Ngoài nuôi cá thương phẩm, HTX còn là địa chỉ cung ứng một số loại cá giống trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Với quy mô hoạt động như hiện nay, mỗi năm HTX phấn đấu đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Nuôi chí làm giàu, hôm nay Thịnh Cá đã giàu có nhờ nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.