dd/mm/yyyy

Thị trường cà phê phó thác “cuộc chơi” cho thương lái

Không chủ động được thị trường, người trồng cà phê phó thác cho thương lái định đoạt giá cả. Chưa kể giá cà phê nội địa phụ thuộc vào diễn biến sàn kỳ hạn, nơi các quỹ đầu tư tài chính và giới đầu cơ quốc tế phô diễn tiềm lực với nhau.

Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ sản phẩm chế biến thấp.

Chưa thể thoát ra khỏi thương lái

Trong một cuộc hội thảo về ngành cà phê, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận: “Mặc dù cà phê là cây trồng chủ lực đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu trên dưới 3 tỉ USD mỗi năm, thế nhưng chúng ta chỉ thu được vài % lợi nhuận, còn lại nước ngoài hưởng hết”. Bên cạnh nguyên nhân do cà phê của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ sản phẩm chế biến thấp, còn là vì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến vẫn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết thành chuỗi.

Không chỉ giữ vai trò thu mua, nhiều thương nhân cà phê còn cung cấp cả vật tư đầu vào như phân bón, giống cà phê, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân theo hình thức tín chấp trả chậm, giúp nông dân có vốn để chăm sóc cà phê mà không phải tìm tới “tín dụng đen”.
Ông Trịnh Tấn Vinh - Chi hội trưởng Chi hội sản xuất cà phê bền vững huyện Di Linh

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định: “94,5% người nông dân tham gia vào chuỗi cà phê, nhưng 1 ha của họ được 3-5 tấn thì bán lượng đó với giá trị gia tăng không đáng kể, nhưng thương lái, trung gian được thu lợi rất cao. Mua bán cà phê qua thương lái có rất nhiều rủi ro về chất lượng…”.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), thì hiện chỉ có 10% lượng cà phê nông dân sản xuất ra được bán trực tiếp cho các công ty lớn; 90% lượng cà phê còn lại được thu gom bởi các thương lái trung gian.

Ông Hoàng Sĩ Bích - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Toàn tỉnh có 76 doanh nghiệp và 564 hộ kinh doanh thu mua, sơ chế cà phê. “Với xấp xỉ 150.000 ha cà phê trồng tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nếu không có đội ngũ thương nhân thu mua, nông dân sẽ không thể bán cà phê một cách nhanh chóng, các công ty cà phê lớn cũng không đủ nhân lực và chi phí đầu tư để thu gom”, ông Bích khẳng định.

Tuy nhiên, thu mua qua trung gian, ngành cà phê có những yếu tố bất lợi. Với người trồng cà phê, nông dân phải phụ thuộc vào sự đánh giá của thương nhân về chất lượng hạt. Và nhiều bài học về thương nhân cà phê vỡ nợ, chiếm dụng hàng chục tỉ đồng cà phê ký gửi của nông dân cũng khiến mối quan hệ trở nên bấp bênh. Với thương nhân cũng phải chịu rủi ro khi mất mùa hay nông dân thay đổi, không chịu thực hiện hợp đồng do “giao hẹn miệng”.

Đứng ngoài xu thế tăng trưởng

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch VICOFA, không chỉ đối mặt với hàng loạt khó khăn trong nước, thị trường cà phê thế giới trong vài năm trở lại đây đang chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều nước sản xuất cà phê lớn như Colombia, Brazil, Indonesia... Giá cà phê thế giới thời gian qua cũng liên tục “trồi sụt” do sự chi phối các sàn giao dịch của các ông trùm tài chính lớn trên thế giới.

90% lượng cà phê của nông dân được thu gom bởi các thương lái trung gian.

Trong khi đó, Việt Nam thường phải chịu cảnh bán cà phê với giá thấp hơn mặt bằng quốc tế do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dựa vào các sàn giao dịch. Ở trong nước, hiện đã có 3 sàn giao dịch cà phê do Bộ Công thương quản lí, nhưng hiện tại không hoạt động gì do chưa kết nối với các sàn giao dịch ICE và London... Điều này khiến thị trường cà phê trong nước đang phụ thuộc trong tay hệ thống thương lái.

Một chuyên gia ngành hàng cho biết giá kỳ hạn robusta London cả năm 2017 đã mất 25%, đến nay vẫn tiếp tục giảm dù Việt Nam - nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới năm vừa qua cũng giảm 20% lượng xuất bán cho nước ngoài chỉ còn 1,42 triệu tấn.

“Một điều nghịch lý là trong khi các cửa hàng tiêu thụ cà phê nhiều nơi trên thế giới không ngừng tăng, lượng cà phê cần mua chế biến nhiều nhưng giá cà phê nội địa và trên sàn kỳ hạn đều giảm”, vị chuyên gia phát biểu.

Từ rất lâu, ngành cà phê Việt Nam kinh doanh chạy theo giá của sàn kỳ hạn, nơi thách đố bằng lực tài chính giữa các quỹ đầu tư tài chính và giới đầu cơ quốc tế với nhau. Đến nay các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê trong nước vẫn rất bàng quang với sự phát triển thực sự của ngành hàng cà phê trên thế giới.

rong khi đó, ở châu Âu, chỉ tính tại 25 nước, theo một báo cáo nghiên cứu thị trường của trang nghiên cứu cà phê thế giới Allegra, mức tăng trưởng cà phê đạt 6,4%. Các nước có mức độ tăng trưởng cao nhất là Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Liên bang Nga.

Báo cáo còn cho biết rằng chuỗi quán cà phê lớn nhất ở châu Âu hiện nay là Costa Coffee có trụ sở tại Vương quốc Anh gồm 2.755 quán, tăng 243 quán năm 2017, tiếp theo đó là Starbucks có 2.406 quán, tăng 251 cơ sở bán lẻ trong cùng kỳ. Tại Hoa Kỳ, lượng quán cà phê mới mở cũng tăng 3,6% với tổng số cửa hàng cà phê có thương hiệu lên đến 34.000 quán.

Nhưng nghịch lý đã rõ khi sức tiêu thụ cà phê vẫn tăng mà lượng xuất khẩu và giá bán giảm. Vấn đề đặt ra đối với cà phê Việt Nam là cần thoát khỏi sự lệ thuộc và lối mòn mà phải thay đổi tư duy, tiếp cận những xu hướng tiêu dùng mới, nhắm được địa chỉ cụ thể cần đến.

Định vị lại vai trò thương nhân

Theo Vicofa, hiện cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê. Có tới 90% số các doanh nghiệp trong nước và 100% số các doanh nghiệp FDI thu mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu, nên chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao.

 Đẩy mạnh liên kết nông dân và doanh nghiệp giúp đường đi của hạt cà phê thuận lợi hơn.
Đẩy mạnh liên kết nông dân và doanh nghiệp giúp đường đi của hạt cà phê thuận lợi hơn.

Làm sao để phát huy vai trò của thương nhân trong sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt? Trả lời câu hỏi này, bà Quỳnh Chi - đại diện Diễn đàn cà phê toàn cầu Việt Nam đánh giá: Nhiều địa phương trong đó có Lâm Đồng đã bắt đầu tạo được những mối liên kết doanh nghiệp - thương nhân - nông dân, giúp đường đi của hạt cà phê thuận lợi hơn. Trong đó, nông dân tổ chức thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để có đủ năng lực liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp cà phê, hạn chế khâu trung gian.

Các thương nhân ký hợp đồng với doanh nghiệp cà phê, chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi, hỗ trợ và thu mua hạt cà phê của người nông dân theo đúng hợp đồng với doanh nghiệp. Và doanh nghiệp cà phê lớn đảm bảo ký kết hợp đồng với nông dân và đại lý, cung cấp kỹ thuật, kinh phí, đảm bảo đầu ra bền vững cho hạt cà phê.

Với Lâm Đồng, con số có thay đổi theo hàng năm nhưng nhiều công ty cà phê lớn như Intimex Mỹ Phước, Nestlé, 2.9, OLAM, ACOM… đang liên kết với hàng ngàn nông hộ và một số đại lý để thu mua theo hợp đồng liên kết. Đây chính là một phương hướng phát triển tốt để giúp hạt cà phê mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân, thương nhân và xây dựng chất lượng bền vững cho hạt cà phê Việt.

Bình Nguyên