Hơn ngồi chảo lửa
Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được xem là thủ phủ cam Vinh của tỉnh Nghệ An. Nơi được biết đến là nguồn cung cấp cam dồi dào với cánh đồng trải dài hàng nghìn héc ta. Tuy nhiên, hai tháng qua, nông dân nơi đây đang gồng mình chống nắng nóng, cứu những gốc cây, trái quả đang bị thiêu cháy, cuộc sống của họ như “phát hỏa” theo nhiệt độ tăng cao. Dọc theo đường trung tâm xã Minh Hợp vào xóm Minh Hồ, hai bên là những cánh đồng cam tít tắp, phải nhìn từ trên cao qua Flycam, chúng tôi mới thấy được sự rộng lớn của vùng cam Phủ Quỳ.
Khoảng 13h, nhiệt độ đỉnh điểm trong bóng râm tại Quỳ Hợp là 41 độ C. Con đường nhựa huyết mạch giữa cánh đồng cam bốc lên từng đợt khí nóng rần rần gây ảo giác. Tất tả cào đống cỏ khô vun vào gốc giữ mát, anh Phạm Mạnh Cường (SN 1986) lau giọt mồ hôi trên mặt, ráng sức kéo dây thép gai bao bọc vườn cho chúng tôi vào. Lá khô quắt, phất phơ và chỉ làn gió nhẹ là rơi, quả non cháy vàng, rụng đầy mỗi gốc. Thậm chí, có cây quả, lá rụng hết, trơ trọi, chết dần mòn giữa nắng nóng. Sự xanh mướt, tốt tươi, đầy mầm chồi nẩy nở của vườn cam gia đình anh Cường chỉ tháng trước thôi giờ chỉ còn là màu vàng cháy.
Ngán ngẩm, buồn bã, anh Cường cho hay: “Vườn nhà tôi rộng 10 sào với 250 gốc. Cam được trồng từ năm 2012. Những năm trước thu nhập tương đối tốt, giá bán 50 nghìn/kg, thu nhập trung bình 300 triệu đồng/năm. Nhưng năm nay nắng nóng lên trên 40 độ C, cây thiếu nước, lá cháy, quả non cháy vàng rụng hết. Mặc dù gia đình đầu tư giếng khoan, hệ thống phun tưới nhưng không chống nổi nắng nóng của trời”. Nói đoạn, anh Cường nhặt những quả cam khô vì đã rụng lâu, nhóm lại một chỗ để xúc đổ. Tấm lưng đẫm ướt mồ hôi, anh Cường mỏi mệt, ngồi bệt xuống bên gốc cam thở dài.
Vườn kế bên, ông Đàm Sỹ Hiên (SN 1961) đang sửa soạn đường ống phun nước để chiều tưới cho cam. Theo lão nông này, vườn nhà ông rộng 2,5 hécta với 500 gốc cam, chủ yếu là cam Xã Đoài, cam Vân Du trồng năm 2016 nên cây còn nhỏ, năng suất thấp. Lứa cam 2020 phải đến tháng 10, tháng 11 mới thu hoạch được. Nắng nóng khiến ông không dám nghĩ tới chuyện năm nay thu được bao nhiêu, chỉ biết ngày đêm quần quật cứu cam, hy vọng trời hạ nhiệt, mưa về. Tiếp chuyện chúng tôi, những người nông dân khác như chị Lê Thị Phương (SN 1984), anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981) cùng chung cảnh ngộ.
Chè cháy khô
Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - cái “rốn” của gió phơn Tây Nam khô khốc, nắng nóng như rang. Người dân nơi đây rất sợ khi nghe tiếng ve gọi hè, bởi nó là lời báo hiệu, mọi sinh vật chuẩn bị đương đầu với mùa nắng nóng, khô hạn. Một vài trận mưa chẳng thấm đất bột, Hương Khê như một “lò nung”. Bưởi, cam chết nhiều, lá cháy khô, queo quắp lụi tàn vì nắng. Đi lên vườn cam, chúng tôi qua đồng ruộng nứt nẻ, cằn khô, bác nông dân xây xẩm mặt mày “đội nắng” tìm nước.
Các xã của huyện miền núi Hương Khê như Hương Thủy, Hương Trạch, Phúc Trạch, người dân đang cố bòn mót từng giọt nước ngầm ít ỏi để cứu cam, bưởi. Đập thủy lợi trơ đáy, nước ngầm cạn kiệt dần, chè chết khô, chỏng chơ. Nông dân mất ăn mất ngủ, chống chọi cứu diện tích chè còn sót lại. Khoảng 3 tháng trước, thủ phủ chè Hương Trà rộng hơn 170 hécta mướt xanh, tươi tốt, đón hàng trăm lượt giới trẻ đến chụp ảnh, dã ngoại. Nhưng giờ đồi chè bát ngát hóa màu vàng, héo úa, lụi tàn trong nắng nóng. “Hiện nay có khoảng 20% diện tích chè đã cháy khô không thể khôi phục lại, con số này cũng sẽ tăng cao trong thời gian tới nếu không có mưa. Chưa năm nào nắng hạn, cây chết nhiều như năm nay. Dân chống chọi với nắng nóng cũng điêu đứng, liêu xiêu”, anh Đào Thanh Tùng (trú thôn Tây Trà, xã Hương Trà) nói như mở lời cho câu chuyện nắng nóng trên địa bàn trong những ngày qua.
Gia đình anh Tùng trồng được hơn 2ha chè, lượng nước không đủ phun tưới khiến nhiều diện tích chết khô. Năm trước, cùng thời điểm, đang vào vụ thu hoạch ngọn chè tươi, mỗi tháng kiếm được hơn 7 triệu đồng, nhưng nay lâm cảnh thất thu, bết bát. Anh Tùng chia sẻ, ngày nào anh cũng quần quật giữa đồi chè, có lúc rã rời nhưng “còn nước còn tát”, anh phải cứu chè, vớt vát bát cơm, manh áo. Nỗi lo toan tăng lên gấp bội khi nắng hạn kéo dài chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không biết số phận những cây chè đang ngắc ngoải thế nào.
Đã hàng chục năm trồng chè, chị Nguyễn Thị Hà (thôn Bắc Trà, xã Hương Trà) là người có thâm niên, kinh nghiệm nhưng cũng chẳng thể cứu chè giữa tiết trời tháng Sáu. Chè chết, người phụ nữ gầy gò, mảnh khảnh rệu rã cánh tay gom thân chè về làm củi. “Tôi cũng thường xuyên vun gốc để tạo độ ẩm cho cây nhưng vẫn không khả quan do nắng quá, người còn héo huống gì là cây cối. Chúng tôi kiệt sức, bất lực trước thời tiết”, chị Hà ngậm ngùi nói. Hốc mắt chị Hà đượm nước, không phải hái chè tươi mà chị đang dọn gốc chè. Thu nhập, miếng ăn gia đình chị trông vào đây giờ thì... buông xuôi.
Ông Trần Viết Hòa, Phó giám đốc Xí nghiệp chè 20/4 cho biết, trong thời gian qua nắng nóng khủng khiếp khiến hơn 5ha diện tích chè của người dân đã bị héo khô, cháy lá không thể phục hồi. Theo ông Hòa, xí nghiệp chè 20/4 là đơn vị bao tiêu toàn bộ sản lượng chè của người dân xã Hương Trà. Giá mua từ 6-7 triệu đồng/tấn. Đợt này, nguời dân không có chè búp thu hoạch vì thế công ty cũng gặp khó khăn về nguyên liệu.
Bà Trương Thị Vân (cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Minh Hợp) cho biết: “Đầu tháng 6, nắng nóng bủa vây khắc nghiệt, nhiều người ra đường choáng váng, ngất xỉu, nhưng họ không thể nào không ra đường. Họ là nông dân đi cứu vườn cam của mình. Xã Minh Hợp có 900 hécta trồng cam, quýt. Đây là cây trồng chủ lực của người dân địa phương”.