Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Thành phố Sơn La là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của tỉnh Sơn La, có 7 phường, 5 xã, dẫu vậy khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí NTM thành phố gặp không ít khó khăn, trở ngại, do địa hình chia cắt phức tạp, núi đá đan xen, giao thông đi lại khó khăn...
Trao đổi với ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, được biết: Năm 2012, thành phố bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, khi đó bình quân mỗi xã chỉ đạt 4,6 tiêu chí và không có xã nào đạt các tiêu chí cơ bản, quan trọng trong bộ tiêu chí NTM. Kinh tế chủ yếu là nông nhiệp, sản xuất nhỏ lẻ chưa mang tính chất hàng hóa, trình độ canh tác lạc hậu, năng suất thấp, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, công nghiệp chế biến kém phát triển, sức cạnh tranh của hàng nông sản thấp. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 5 xã mới chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao.
“Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về mục đích và ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như: Loa phát thanh, tờ rơi, băng zôn, pano, áp phích…” ông Bình cho hay.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp. Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với thực tế địa phương. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp. Đồng thời, phát động phong trào thi đua “thành phố Sơn La chung sức xây dựng NTM”, gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc từng bước nâng lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, khơi dậy tinh thần tự giác. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của, hiến đất, tài sản... chung sức xây dựng NTM, góp phần làm cho diện mạo NTM ngày càng khởi sắc.
Bứt phá về đích nông thôn mới
Bằng cách làm phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế địa phương. Động viên, khuyến khích tập thể, cá nhân có cách hay, sáng tạo, trong quá trình triển khai. Sau 8 năm, thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM của thành phố Sơn La đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay 5/5 xã đã về đích NTM. Cùng với đó, diện mạo NTM của thành phố đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Bình chia sẻ thêm: Để có được kết quả đó, bên cạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách xây dựng NTM của trung ương, của tỉnh, bằng việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình từng địa phương, lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án… Hàng năm, thành phố đã bố trí ngân sách đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất là đường giao thông trục xã, đường vào các khu sản xuất, tạo điều kiển cho phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Ngoài ra, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng về thủy lợi, điện, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa… từng bước hiện đại gắn với phát triển đô thị.
Xác định xây dựng NTM là nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống nhân dân, bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thành phố đã thực hiện các chế độ, chính sách, khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất với quy mô lớn, liên kết thị trường thị trường tiêu thụ, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng như: Mô hình trồng hoa ở xã Chiềng Xôm; trồng cà phê, mận ở Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Ngần; trồng quýt Chiềng Cọ và một số mô hình trồng Xoài, Chanh Leo, nhãn chín sớm, chín muộn... đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 8 năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 13 triệu đồng/người/năm 2012 lên 32 triệu đồng/người/năm 2019.
Sau 8 năm, triển khai thực hiện chương trình XDNTM, thành phố Sơn La đã huy động nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng. Đầu tư làm 196 tuyến đường giao thông trục xã, bản, xóm, với chiều dài 130 km; xây mới nâng cấp 33 công trình nhà văn hóa, sân thể thao, xã bản; 63 tạm y tế, trường học, trụ sở.... Đến nay, trên 87% tỷ lệ hộ có nhà đạt tiêu chuẩn; 97,2% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 97% hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,03%... Góp phần làm cho diện mạo NTM ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.