dd/mm/yyyy

"Thần đồng" trống Trọng Nhân nhớ quê khi lên Sài Gòn trọ học

Quán quân Vietnam's Got Talent 2016 - "Thần đồng" đánh trống Trọng Nhân thích ở TP.HCM để học trống, tiếng Anh nhưng vẫn luôn nhớ cuộc sống quê hương ở Lâm Đồng.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa - bố của Trọng Nhân - chia sẻ tâm tư của con trai khi cả gia đình từ Lâm Đồng tới TP.HCM sinh sống. Ở Sài Gòn nóng nực, thi thoảng cậu bé lại thèm không khí của vùng Tây Nguyên, ước được về quê. Thi thoảng, cậu nói với bố: "Giá như trường của thầy Thanh Bùi ở Đà Lạt, con không phải ở Sài Gòn thì tốt, bố nhỉ". Nhưng khi anh Nghĩa gợi ý sẽ đưa con trai về quê nếu cậu bé thích, Nhân lại bảo: "Thôi, về đó con không được học trống, học tiếng Anh nữa".

Anh Trọng Nghĩa cùng con trai tham gia một số sự kiện từ khi chuyển đến TP.HCM.
Anh Trọng Nghĩa cùng con trai tham gia một số sự kiện từ khi chuyển đến TP.HCM.

Gia đình Trọng Nhân chuyển về TP.HCM được một năm, thuê căn nhà ở quận Tân Bình. Bố mẹ Nhân mở quán cà phê nhỏ kiếm sống, gần đây anh Nghĩa xin được việc bán nhạc cụ. Công việc ở quán cà phê do vợ anh đảm nhiệm, con trai lớn phụ mẹ khi rảnh. Cậu sinh viên Nhạc viện TP HCM còn đi dạy thêm piano.

Rời quê hương lên Sài Gòn, cuộc sống của vợ chồng anh Nghĩa thay đổi hoàn toàn, từ công việc tới thói quen sinh hoạt. Khi mới đến đây, anh chẳng có mấy người quen.

Động lực để vợ chồng anh Nghĩa cố gắng là tương lai của các con. "Vợ chồng tôi sống ở đâu cũng thế, vẫn phải làm việc. Nhưng môi trường nào tốt cho con thì chọn thôi. Chúng tôi chẳng nghĩ đến chuyện làm giàu, chỉ mong đủ sức khỏe, đủ điều kiện cho con được học", anh nói. Trọng Nhân dễ thích nghi với bạn bè, thầy cô ở trường mới, năm qua kết quả học tập của cậu bé tốt.

Anh Nghĩa cảm kích sự giúp đỡ từ phía Học viên Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA) của Thanh Bùi, gọi việc Trọng Nhân gặp Thanh Bùi là mối lương duyên. Hiện hàng ngày Nhân học văn hóa ở trường Việt Mỹ vào buổi sáng, buổi chiều học nghệ thuật ở Soul. Cậu bé được học trống, guitar, lý thuyết âm nhạc và mới đây học thêm một lớp dance. Sau một năm học, Trọng Nhân thay đổi rõ rệt. Trước đây cậu bé đánh trống theo bản năng, bắt chước người khác. Còn hiện nay cậu bé được hoàn thiện các kỹ năng, được trang bị kiến thức bài bản.

"Tôi ít điều kiện tiếp xúc nghệ thuật, không nghĩ được những điều xa xôi. Còn các thầy định hướng cho Nhân rõ ràng, chú tâm vào việc phát triển toàn diện cho bé. Sau này cho dù Nhân không thích đánh trống hoặc không thể đánh trống nữa thì vẫn có thể làm việc khác", anh Nghĩa nói.

Trọng Nhân trên sân khấu Vietnam's Got Talent 2016:

Trọng Nhân vừa trải qua nhiều phần thi để trở thành người đầu tiên đoạt học bổng Trịnh Công Sơn - quỹ do gia đình cố nhạc sĩ tổ chức, với sự đồng hành của trường SMPAA. Theo ban tổ chức, cậu bé sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí chương trình học phổ thông, chương trình giáo dục âm nhạc - trình diễn nghệ thuật và tiếng Anh.

Nhận được tin vui đó, anh Nghĩa hạnh phúc nhưng không quên dặn con hoàn thiện bản thân để xứng đáng với món quà lớn nhận được. "Ban đầu chúng tôi cho con chơi trống để bớt chơi game chứ chẳng nghĩ đến thi thố hay sự nổi tiếng. Không ngờ may mắn nối tiếp may mắn", anh tâm sự.

Sự nổi tiếng đôi khi kéo theo phiền toái. Anh Nghĩa từng sốc, lo lắng và nghĩ ngợi liên miên khi đọc những thông tin không đúng về Nhân và gia đình mình trên báo. "Tôi vốn là nông dân, trước đây không tiếp xúc với showbiz nên đâu biết gì. Nhưng riết rồi tôi cũng quen, thấy mọi thứ bình thường", anh nói.

Còn Trọng Nhân vẫn thế. Cậu vô tư, hay bẽn lẽn trước người lạ như ngày chưa tới thành phố. Hơn hết, Nhân vẫn "máu lửa" khi làm bạn với trống. Trên sân khấu, cậu bé luôn toát lên hồn Tây Nguyên mộc mạc và hoang dại. Có khác là chất nghệ sĩ của Nhân đậm đà hơn. Thi thoảng khi biểu diễn, cậu tung dùi trống lên cao, động tác chính xác và điệu nghệ.

Nghinh Xuân