dd/mm/yyyy

Thả tôm nuôi “chung nhà” với lúa, nhà nông thu lãi đậm

Kiên Giang là 1 trong 5 địa phương nhiều năm liền đứng đầu về diện tích và sản lượng tôm nuôi ở ĐBSCL, cung cấp khoảng 70% sản lượng và giá trị tôm xuất khẩu cả nước. Những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, cho tôm sú "chung nhà" với cây lúa, nhờ đó thu lãi đậm và ổn định.

Nhờ cho tôm sú "chung nhà" với cây lúa, nhiều hộ dân ở ấp Cái Nước Vàm, xã Đông Yên (huyện An Biên) đã thoát nghèo vươn lên khá giả.

Tôm sú và lúa "chung nhà"

Chia sẻ với chúng tôi, ông Danh Mẫm (ngụ ấp Cái Nước Vàm) cho hay: "Với 3ha canh tác tôm - lúa, từ đầu năm đến nay gia đình tôi thu hoạch được khoảng 180 triệu đồng. Năm nay nhờ tôm, cua nuôi đạt, nên dù giá có giảm nhưng vẫn có lời. Từ khi chuyển đổi sang mô hình lúa tôm, thu nhập gia đình ổn định hơn hẳn".

Tôm “chung nhà” với lúa, nhà nông thu lãi đậm  - Ảnh 1.

Thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tân Huy Hoàng ở khu phố 5, phường Đông Hồ (TP. Hà Tiên) thu hoạch tôm thẻ trong bể lót bạt 2 giai đoạn. Ảnh: N.Q

Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm sú luân canh lúa khá lớn trong cả nước. Năm 2020, toàn tỉnh có 100.000ha tôm - lúa, tăng 28,4% về diện tích và tăng 50,6% về sản lượng so năm 2015. Đáng chú ý là thời gian gần đây, việc chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/ha nay tăng lên từ 100 - 130 triệu đồng/ha.

Theo ông Mẫm, với mô hình lúa tôm, không xảy ra xung đột mặn - ngọt mà còn đem lại nguồn lợi cao cho nông dân và tạo môi trường sản xuất bền vững, ít rủi ro. Người dân gọi đây là mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm sú phát triển, nông dân Đông Yên cũng nhập cuộc. Cũng từ đó, từ 17,2% hộ nghèo ở xã Đông Yên khi mới chuyển đổi đất lúa 2 vụ sang 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%; hộ khá, giàu từ tôm - lúa ngày càng nhiều.

Còn tại huyện An Minh, địa phương có mô hình tôm - lúa phát triển từ khá sớm, cũng tiên phong trong phát triển tôm - lúa đạt các chứng nhận hữu cơ. Tuy diện tích lúa được chứng nhận hữu cơ chỉ mới 30ha trong hơn 39.017ha nhưng đó chính là tiền đề để huyện tiếp tục nhân rộng.

Ông Lê Văn Khanh - Trưởng Phòng NNPTNT huyện An Minh cho biết, theo nghiên cứu về tôm - lúa mới đây của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, tôm - lúa có thể áp dụng được nhiều hệ thống chứng nhận phục vụ cho đa dạng các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản. Huyện chú trọng liên kết các hợp tác xã, quy hoạch vùng nuôi tập trung hướng tới áp dụng chứng nhận hữu cơ với diện tích từ 500ha/vùng trở lên.

Đối với kỹ thuật canh tác, huyện An Minh hướng tới chứng nhận hữu cơ, tích cực vận động bà con duy trì canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, sử dụng các sản phẩm vi sinh để đảm bảo tính tự nhiên của môi trường. Áp dụng hệ thống chứng nhận nâng cấp dần từ VietGAP, ASC, GlobalGAP, sau đó mới lên hữu cơ để người dân dần hình thành thói quen sản xuất theo chứng nhận.

Hướng đến nuôi tôm sạch

Chúng tôi đến khu nuôi tôm công nghiệp theo quy trình 2 giai đoạn của Công ty TNHH Tân Huy Hoàng, khu phố 5, phường Đông Hồ (TP.Hà Tiên), đúng lúc nơi đây đang thu hoạch tôm. Để có tôm nguyên liệu đạt chất lượng, không nhiễm kháng sinh, chất cấm, doanh nghiệp liên kết cùng một số nông dân đầu tư nuôi và tiêu thụ tôm theo quy trình nghiêm ngặt. 

Anh Đinh Quang Huy - Giám đốc Công ty TNHH Tân Huy Hoàng cho biết: "Với 4ha, tôi bố trí 10 ao nuôi, 2 ao lắng; tôm được thả nối tiếp cách nhau 20-30 ngày nên có tôm thu hoạch liên tục. Sản lượng khoảng 90 tấn/năm. Thương hiệu chỉ hình thành trên nền tảng có đủ tôm sạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận".

Được biết, trong giai đoạn 2016-2019, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện 44 điểm trình diễn mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh và TP.Hà Tiên. Các mô hình này cho năng suất trung bình 24,25 tấn/ha, lợi nhuận 280 triệu đồng/ha.

Ðịnh hướng của tỉnh là tổ chức hợp tác nhóm hộ sản xuất nhỏ lẻ tạo vùng nguyên liệu quy mô lớn, tạo đầu mối liên kết các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột và là động lực của toàn chuỗi giá trị.

Do đó, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động trên tôm nuôi tại vùng đệm quanh vùng nuôi của Công ty cổ phần Trung Sơn, xã Bình Trị (huyện Kiên Lương) nhằm xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước theo quy định của Bộ NNPTNT và của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Với việc đạt chứng chỉ ASC - bộ tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, sản phẩm tôm của Công ty cổ phần Trung Sơn được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ chấp nhận. Qua đó, góp phần gia tăng đáng kể sản lượng tôm của địa phương, hình thành vùng nuôi chất lượng cao cung cấp cho thị trường quốc tế. Bình quân tổng sản lượng sản xuất của công ty đạt hơn 9.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt trên 22 triệu USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty được thực hiện theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ với 2 khu sản xuất tôm giống công suất đạt 1,5 tỷ con tôm giống. Khu nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 1.000ha. Thời gian tới, công ty sẽ đầu tư thêm một số dự án để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm.

 

 

Chúc Ly – Ngọc Quyên