Theo đó, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, với 4 hiệp định thương mại mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên phát triển thương mại, đầu tư; trong đó, có thương mại nông lâm thủy sản.
Về xuất khẩu nông lâm thủy sản, Nhật Bản là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều mặt hàng như thủy sản, cà phê, rau quả, sắn… Với thị trường này, sản phẩm thực phẩm vào Nhật Bản phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ về dư lượng, an toàn thực phẩm. Khi doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu thị trường Nhật Bản và trở thành bạn hàng tin cậy thì việc phát triển thương mại khá thuận lợi.
Riêng với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP đánh giá, Nhật Bản là 1 trong 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt với sản phẩm tôm thì Việt Nam là nguồn cung số 1 tại thị trường này với từ 25-26% thị phần.
Năm nay, xuất khẩu thủy sản rất khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản giảm chỉ bằng 50% mức độ giảm của cả ngành thủy sản, với mức âm khoảng 13-14%. Như vậy có thể thấy, Nhật Bản có nhu cầu thủy sản tốt, doanh nghiệp cũng rất quan tâm xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam cũng nhấn mạnh, mức độ yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm của Nhật Bản với thực phẩm rất cao. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng có niềm tin rất cao với các bạn hàng nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam luôn phải duy trì đảm bảo an toàn thực phẩm ở mức cao.
“Nhật Bản có quy định khắt khe về kháng sinh và vi khuẩn gây bệnh. Nếu doanh nghiệp chỉ vi phạm 1 lần về an toàn thực phẩm thì sẽ bị nâng cấp kiểm soát, thậm chí có thể bị kiểm soát 100%”, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Xanh hóa nông sản
Hãy nhìn xem ví dụ về xuất khẩu (XK) nông sản Việt Nam vào EU. Điều kiện đầu tiên cần đáp ứng là việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tính bền vững trong chuỗi cung ứng nhằm XK sang EU. Nhất là trong bối cảnh ngày càng gia tăng số lượng cảnh báo kiểm tra về thuốc trừ sâu và dư lượng phân bón cũng như các biện pháp kiểm soát tại biên giới EU - đặc biệt là đối với thanh long, rau thơm, đậu bắp, ớt, mì và các sản phẩm thuỷ hải sản.
Ông Cieleszynski có lời khuyên rằng “cơ quan chức năng của Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với nông dân, hội nông dân và các bên liên quan để xác định những hạn chế trong chuỗi sản xuất, bao gồm việc quản lý thực hành nông nghiệp tốt, nhằm nâng cao nhận thức về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của EU”.
Thêm nữa, một lưu ý quan trọng là EU tập trung khuyến khích canh tác hữu cơ vì tất cả lợi ích mà sản phẩm hữu cơ mang đến cho môi trường, nước, đất, hệ sinh vi sinh, động vật, thu nhập của nông dân, tạo việc làm, phát triển nông thôn…
Đây là lý do vì sao trong Thoả thuận xanh Châu Âu nhằm trung hoà khí hậu cho năm 2050, EU đã đặt mục tiêu đạt được 25% diện tích đất nông nghiệp của EU được canh tác hữu cơ vào năm 2030 và tăng đáng kể nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ.
Theo ông Cieleszynski, việc nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam phát triển có hệ thống trong vài năm trở lại đây, với các sản phẩm đa dạng như trái cây nhiệt đới, rau củ quả, thực phẩm chế biến sẵn, thuỷ sản và hàng hoá. Với tầm nhìn quan trọng ngày càng tăng của canh tác hữu cơ tại EU, các nhà XK từ Việt Nam nên cân nhắc chú trọng hơn vào việc quảng bá khái niệm canh tác hữu cơ nhằm đáp ứng tốt hơn sở thích của người tiêu dùng Châu Âu.
Xét về canh tác hữu cơ trên con đường “xanh hoá” XK như ông Cieleszynski chia sẻ, thấy rằng Việt Nam là quốc gia có truyền thống nông nghiệp lâu đời, có chế độ khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, có hệ động thực vật phong phú, nhiều diện tích đất ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn đang trong tình trạng nguyên sơ (chưa bị ảnh hưởng bởi thâm canh hoá học hoá nông nghiệp). Do đó, như những gì mà ngành nông nghiệp hữu cơ trong nước đã, đang và sẽ làm thì dư địa và cơ hội phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại là rất lớn.
Bên cạnh đó, nông dân Việt Nam vốn đã quen thuộc với kiểu canh tác hữu cơ truyền thống nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp hữu cơ hiện đại sẽ không có nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, cũng không quên nhắc lại mối băn khoăn của ông Vũ Trọng Khôi, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đó là nền nông nghiệp truyền thống của Việt Nam vốn dĩ là một nền nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản).
Thế nhưng, trải qua chiều dài lịch sử phát triển, dân số ngày một gia tăng, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người của nước ta lại rơi vào loại thấp nhất thế giới, cộng với kỹ thuật sản xuất lạc hậu, nên nền nông nghiệp hữu cơ cho năng suất thấp, tính trên 1ha đất nông nghiệp và trên 1 người lao động nông nghiệp, đã không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người.
Bắt đầu từ hành động tập thể
Như lưu ý của ông Khôi, nền nông nghiệp hoá học đã đóng vai trò lớn trong việc làm biến đổi khí hậu toàn cầu theo hướng tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường sinh thái đến mức rất nghiêm trọng. Cả người sản xuất và tiêu dùng nông sản phải gánh chịu những tác hại nghiêm trọng do nền nông nghiệp hoá học gây ra với những bệnh tật nguy hiểm, đặc biệt là bệnh ung thư.
Mặt khác, do bình quân ruộng đất theo đầu người quá thấp (0,8ha/nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, 0,35ha/nông hộ ở Đồng bằng Bắc Bộ…), nên dù sản lượng nông nghiệp đã gia tăng, đủ đáp ứng về số lượng cho con người, nhưng doanh số và giá trị thu nhập tính trên 1ha đất nông nghiệp và 1 người lao động quá thấp, không đủ nuôi sống người làm nông nghiệp.
Vì thế, việc “xanh hoá” ngành chủ lực XK như nông sản đang đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ ngành nông nghiệp, chứ không chỉ ở những khu nông nghiệp công nghệ cao, từ cung ứng nguồn lực đầu vào đến canh tác, nuôi trồng, khai thác, mua, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản đến tay người tiêu dùng.
Đây chính là giải pháp hữu hiệu để “xanh hoá” chiến lược XK nông sản, vừa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập của người lao động nông nghiệp.
Tuy nhiên, đối với một nước có mức bình quân đất nông nghiệp trên đầu người quá thấp như Việt Nam, việc gia tăng doanh số và thu nhập tính trên 1ha đất nông nghiệp và 1 người lao động nông nghiệp phải là mục tiêu hiệu quả kinh tế quan trọng nhất, chứ không phải là hiệu quả kinh tế tính theo đồng vốn đầu tư, như ở các nước có nhiều đất nông nghiệp.
Vì thế, một trong những giải pháp khả thi để có thể thực hiện mục tiêu “xanh hoá” XK nông sản là cần khôi phục và phát triển bền vững nền nông nghiệp hữu cơ đối với một số loại nông sản, ở một số vùng nông nghiệp sinh thái có lợi thế so sánh cao.
Và nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại phải được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn hẳn nền nông nghiệp GlobalGAP.
Trên con đường “xanh hoá” XK nông sản, tôi cũng ấn tượng với câu nói đầy tính nhắc nhở của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khi bàn về phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, đó là “đừng để đời cha ăn mặn đời con khát nước”.
Vị bộ trưởng có nhắc đến quyển sách nổi tiếng thế giới trong ngành nông nghiệp có tựa đề The Blue Economy (“Nền kinh tế xanh lam”) của GS.TS Gunter Pauli, với ngụ ý nếu biết cách dựa trên cái cũ mà biết sáng tạo thì sẽ tìm ra được cái mới. Tư duy nền kinh tế xanh lam, cái mà chúng ta hay dùng từ dư địa, là cách nước ngoài đang khai thác làm ra sản phẩm giá trị với chi phí thấp. Chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.
Và theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, một nền nông nghiệp không hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới “hợp tác và liên kết”.
Chính vì thế, với chiến lược “xanh hoá” cho XK nông sản, trước câu hỏi bắt đầu từ đâu, không có gì khác hơn là bắt đầu từ hành động tập thể, sự kiên trì làm thay đổi tư duy và hành vi của công thức hoạch định chính sách phát triển “nông nghiệp xanh” của nhà nông, của hợp tác xã, của nhà doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản Việt ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.
THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM