dd/mm/yyyy

Sơn La: Vì sao hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản vùng cao bỏ việc?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, cùng với các xã khác trên địa bàn tỉnh Sơn La, hàng loạt nhân viên y tế bản ở 2 xã Co Mạ, Long Hẹ của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đều đồng loạt bỏ việc. Tình trạng này đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, theo dõi dịch bệnh và chăm

Đồng loạt bỏ việc không cần viết đơn

Co Mạ, Long Hẹ là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu. Năm 2020, xã Co Mạ có 19 bản tương đương với 19 nhân viên y tế. Tuy nhiên, số nhân viên y tế thôn, bản đang hoạt động chỉ có ở các bản: Cửa Rừng, Cát, Mớ, Pha Khuâng, Co Nghè A, Co Nghè B, Chả Lạy A, Chả Lạy B. Các bản còn lại nhân viên y tế đều đã bỏ việc.

Sơn La: Vì sao hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản vùng cao bỏ việc? - Ảnh 1.

Cán bộ, viên chức Trạm y tế xã Co Mạ đang đau đầu vì hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản bất ngờ bỏ việc, hàng tháng không đến giao ban, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Xác nhận với phóng viên Dân Việt, ông Vàng A Páo – Phó Trưởng Trạm y tế xã Co Mạ, cho biết: "Tình trạng hàng loạt nhân viên y tế bản nghỉ việc, hàng tháng không đi giao ban đang khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

“Hiện nay, nhân viên y tế ở các bản nghỉ cũng không viết đơn, họ tự bỏ việc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền ở cơ sở. Đơn cử như việc thống kê tình hình dịch bệnh, tỷ lệ sinh tử; số hộ dân chuyển đi, chuyển đến hầu như không có, gặp nhiều khó khăn cho việc tổng hợp số liệu. Cuối tháng vừa rồi, Trạm y tế xã phải cử viên chức của trạm chạy khắp các bản để lấy thông tin” – ông Páo cho biết thêm.

Sơn La: Vì sao hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản vùng cao bỏ việc? - Ảnh 2.

Tình trạng nhân viên y tế đồng loạt bỏ việc đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, theo dõi dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn 2 xã Co Mạ, Long Hẹ.

Theo ông Páo, sự việc này bắt đầu xảy ra từ khi Nghị Quyết 120/2019 của HĐND tỉnh Sơn La “Quy định về mức phụ cấp, bồi dưỡng kiêm nhiệm, hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động và mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia vào công việc của bản, thôn, xóm, tiểu khu, tổ dân phổ trên địa bàn tỉnh” bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn xã Co Mạ đồng loạt bỏ việc là do chế độ bỗi dưỡng hiện nay theo Nghị quyết 120/2019 quá thấp” – ông Páo thông tin.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, theo Nghị quyết 120/2019 của HĐND tỉnh Sơn La, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, chức danh nhân viên y tế bản không còn được hưởng phụ cấp hằng tháng, mà sẽ nhận bồi dưỡng với mức trả không quá 30.000 đồng/người/buổi. Mức bồi dưỡng này sẽ được cân đối, thảo luận, chi trả sao cho không vượt quá kinh phí hoạt động trong năm của mỗi thôn, bản.

Sơn La: Vì sao hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản vùng cao bỏ việc? - Ảnh 3.

Những ngày này, các cán bộ, viên chức y tế của Trạm y tế phải tăng cường xuống các bản để nắm tình hình và thực hiện những công việc của y tế bản.

Trước đó, từ ngày 1/4/2017 đến hết năm 2019, theo Nghị quyết 25/2017 của HĐND tỉnh Sơn La, chức danh nhân viên y tế bản được hưởng hệ số phụ cấp từ 0,3 - 0,5 mức lương cơ sở/tháng (khoảng 600.000 – 700.000 đồng).

Tại xã Long Hẹ, theo ông Mùa A Óng – Phó Trưởng Trạm y tế xã: Khi Nghị quyết 120/2019 của HĐND tỉnh có hiệu lực, phụ cấp không còn nên từ đầu tháng 1 đến nay đa số mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn xã đều dừng hoạt động. Hiện, một số bản còn nhân viên y tế hoạt động là do đồng chí Bí thư chi bộ bản kiêm thêm. Xã có 14 bản thì đến nay chỉ còn khoảng 5 nhân viên y tế thôn, bản làm việc.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Tâm sự những khó khăn khi hàng loạt nhân viên y tế bản trên địa bàn xã Long Hẹ không làm việc và hàng tháng không đến Trạm y tế xã giao ban, ông Óng thở dài: "Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân".

Sơn La: Vì sao hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản vùng cao bỏ việc? - Ảnh 4.

Nhân viên y tế bản cũng là những người cần mẫn băng rừng, lội suối để đến từng hộ dân đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị thay vì “cúng ma trừ bệnh”; vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ...

“Hiện, ở nhiều bản, việc đỡ đẻ; tuyên truyền, thuyết phục phụ nữ mang thai đi khám; vận động các gia đình có trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đi tiêm… đang không có người lập danh sách báo cáo cho Trạm y tế xã nên rất khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc. Do vậy, cán bộ, viên chức của Trạm y tế xã phải tăng cường xuống các bản để nắm tình hình và thực hiện những công việc của y tế bản” – ông Óng thở dài.

Là một người có hơn 20 năm công tác trong ngành y tế ở xã Long Hẹ, ông Thào Phỏng Khứ - viên chức Trạm y tế xã, bộc bạch: Hiện, nhân viên y tế các bản gần như bỏ việc hết. Cứ 3 ngày chúng tôi phải cập nhật đầy đủ số lượng trẻ em sinh ra vào phần mềm. Việc này hỏi Trưởng bản thì Trưởng bản lại không nắm rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, họ tên bố mẹ… nên chúng tôi đang rất đau đầu. Bây giờ, cứ tình trạng này cả tháng chưa chắc đã tổng hợp được để báo cáo lên tuyến trên, nên thực sự rất khó khăn cho chúng tôi.

Sơn La: Vì sao hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản vùng cao bỏ việc? - Ảnh 5.

Anh Quàng Văn Bun - nhân viên y tế bản Nà Nôm tha thiết đề nghị HĐND tỉnh Sơn La điều chỉnh lại mức bỗi dưỡng bằng với mức phụ cấp trước đây để nhân viên y tế bản yên tâm, quay trở lại làm việc.

 Việc nhân viên y tế bản còn làm việc, tháng nào Trạm y tế xã cũng giao ban, tập huấn thường xuyên nên ngày nào xã cũng nhận được số liệu nền rất chuẩn. Nhưng giờ “cây mất hết rễ” rồi, đành chịu thôi biết làm thể nào được.

Theo ông Khứ, hiện nay, hỏi Trưởng bản cung cấp thông tin có rất nhiều cái khó khăn, như: Trưởng bản thuộc UBND xã quản lý nên muốn làm gì phải xin ý kiến UBND xã thì mới lấy được thông tin. Nhân viên y tế biết thống kê tình hình dân số; tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình; tỷ lệ nam nữ bao nhiêu; công tác quản lý vệ sinh môi trường; dinh dưỡng, cân trẻ em hàng ngày, hàng tháng…  trong khi đó những công việc này Trưởng bản không thể làm được nên mới thấy vai trò của đội ngũ nhân viên y tế bản cực kỳ quan trọng.

“Cán bộ, viên chức Trạm y tế xã không thể đi từng bản để cân từng đứa trẻ được. Việc thiếu đầu mối y tế bản cũng như Trạm y tế xã mất đi “cánh tay nối dài” trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân” – ông Khứ giãi bày.

Tiền hỗ trợ không đủ mua xăng xe… 

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Mua Giống Nhìa, nhân viên y tế bản Pá Ẩu, xã Co Mạ - người vừa có đơn xin nghỉ gửi Trạm y tế xã Co Mạ, thật thà nói: "Nếu như trước đây, tôi được hơn 600.000 đồng/tháng, những lúc đi giao ban đói còn có tiền mua gói mì tôm ăn. Bây giờ, chế độ bồi dưỡng 30.000 đồng/người/buổi không đủ trang trải tiền xăng xe đi lại chứ chưa nói đến mua được mì tôm ăn. Một lý do nữa tôi viết đơn xin nghỉ là do công tác lâu năm (20 năm –PV) và trình độ hạn chế".

Cũng theo ông Vàng A Páo - Phó Trưởng Trạm y tế xã Co Mạ: "Bản Hát Xiến là một trong những bản xa nhất của xã Co Mạ. Mức bồi dưỡng 30.000 đồng/người/buổi như hiện nay cho nhân viên y tế bản quá thấp. Từ bản Hát Xiến đến Trạm y tế xã Co Mạ khoảng 19 km. Nhưng đường đi lại là đường đất, độ dốc lớn, cả đi cả về mất 3 lít xăng, hết 60.000 đồng mà mức bồi dưỡng có 30.000 đồng/người/buổi thì không đủ tiền mua xăng đi lại cho đội ngũ y tế bản được".

Anh Quàng Văn Bun, nhân viên y tế bản Nà Nôm – một trong những bản khó khăn nhất của xã Long Hẹ, tâm sự: "Tôi gắn bó với chức danh nhân viên y tế bản từ năm 1999 đến nay. Hàng chục năm qua, vào mùa mưa, tôi cùng với cán bộ Trạm y tế xã cuốc bộ băng rừng, lội suối để đến từng hộ dân thuyết phục họ đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh".

“Bây giờ mức bồi dưỡng quá thấp. Đi từ nhà đến trung tâm xã mất khoảng 20km. Đường đi lại khó khăn, mùa mưa phải đi bộ khoảng 15km mà với mức bồi dưỡng như hiện tại không đủ nuôi xe chứ chưa nói đến người. Tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh lại mức bỗi dưỡng bằng với mức phụ cấp trước đây để nhân viên y tế bản như chúng tôi yên tâm gắn bó với nghề” – ông Bun đề nghị.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt về vấn đề này, lãnh đạo UBND 2 xã Co Mạ, Long Hẹ đều xác nhận thực trạng này đang xảy ra trên địa bàn xã. Và hàng chục năm qua, đội ngũ nhân viên y tế bản không quản ngại khó khăn đến từng nhà thuyết phục người bệnh đến cơ sở y tế khám, điều trị bệnh thay vì “cúng ma trừ bệnh” như trước kia.

Y tế thôn, bản còn vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; vận động phụ nữ có thai đi khám thai, phát hiện các trường hợp phụ nữ mang thai hay trẻ sơ sinh có dấu hiệu nguy hiểm, kịp thời sơ cứu và chuyển lên tuyến trên...

Nhờ vậy, nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản vùng cao đã dần được xóa bỏ và thay thế bằng kiến thức chăm sóc sức khỏe khoa học hơn.

Hiện, công việc của đội ngũ nhân viên y tế bản rất vất vả và nhiều áp lực, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, nơi mà điều kiện sinh sống, tập tục sinh hoạt, kiến thức chăm sóc bảo vệ chăm sức khỏe của nhân dân còn hạn chế.

Trước tình hình hàng loạt nhân viên y tế bản đã và đang chuẩn bị bỏ việc. Thiết nghĩ rằng tỉnh Sơn La và các cấp có thẩm quyền nên có những điều chỉnh, bổ sung về chế độ, chính sách phù hợp để bảo đảm cho “cánh tay nối dài” của ngành y tế có thu nhập thường xuyên và yên tâm công tác. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như này thì vai trò của đội ngũ nhân viên y tế bản càng quan trọng hơn.

Xung quanh tình trạng hàng loạt nhân viên y tế thôn, bản bỏ việc ở Sơn La, phóng viên Báo điện tủ Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tuệ Linh