Hàng năm, cứ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, chị Huyền (Chùa Láng, Hà Nội) lại lùng mua sấu chín về dầm đường. Khác với vị chua, hơi chát của sấu non, sấu chín thường mang tới hương thơm nhẹ, ngọt dịu khiến người ăn mê mẩn.
Để thỏa cơn thèm, mỗi lần ra chợ, chị Huyền thường đặt mua 2kg sấu chín với giá 110.000 đồng/kg về ăn dần. "Năm nay sấu chín rất hiếm, thậm chí là không có, nên giá bị đẩy lên cao so với mọi năm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nếu hôm nào tôi lấy nhiều thì phải đặt trước 2 - 3 ngày để thợ gom đủ".
Thông thường, sấu chín mua về sẽ được chị Huyền gọt vỏ sạch, cắt thành hình xoáy ốc còn nguyên hạt rồi dầm với đường hay muối, tùy theo khẩu vị. Những quả sấu vàng ươm sẽ được chị tẩm ướp, xếp vào từng hộp, bỏ tủ lạnh thưởng thức dần.
"Hiện ở các chợ dân sinh nhỏ, lẻ sấu chín gần như không còn, muốn mua phải đặt qua tiểu thương ở chợ đầu mối lớn. Hoặc có cách khác là đặt mua cả cây sấu ở ngoại thành, cứ cuối tuần, thợ sẽ hái quả, mang tới tận nơi" - chị bày cách.
Cũng là một người nghiện ăn sấu chín, chị Phương Chi (Mỹ Đình, Hà Nội) vừa đặt mua 1kg sấu chín cây với giá 130.000 đồng/kg. Với chị, sấu muốn ngon phải là quả chín cây, không được dùng thuốc kích chín. Và quả không nên cạo mà phải gọt vỏ rồi mới cắt thành vòng.
"Do sức ép của thị trường mà nhiều người hay sử dụng thuốc để ủ. Nhưng quả có thuốc ăn là biết ngay vì không có mùi sấu chín, thịt không vàng đều, chỗ chín chỗ sượng. Thế nên, tôi thường phải tìm mua từ chỗ thân quen, giá có đắt thêm vài chục nghìn cũng không sao" - chị tiết lộ.
Để tiện cho khách mua hàng, chị Hương, người bán sấu chín ở khu vực Xã Đàn (Hà Nội) thường đóng vào từng túi 200g. Sấu thường để nguyên kèm muối ớt hoặc trộn cùng với cóc hoặc xoài chua.
Chị cho biết, sấu ở khu vực Hà Nội giờ hiếm nên chị phải nhập từ các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Mỗi lần hàng về chỉ vẻn vẹn 8 - 10kg quả. Khác với sấu xanh, sấu chín rất nhanh hỏng, nên chị nhận hàng hôm nào là gọi khách lấy hết sạch trong ngày.
"Đa số sấu chín hiện giờ là quả mót còn sót lại trên cây nên sản lượng không được nhiều. Như dân buôn bọn tôi phải gom nhiều mối mới có hàng để cung ứng" - chị kể.