Năm 2017, việc bán cây sưa hơn 200 tuổi gây nhiều tranh cãi, thậm chí là đổ máu của người dân làng Đông Cốc. Nhưng sau cùng, việc bán cây cũng giúp dân làng thay đổi được điều gì?
Để trả lời câu hỏi đó, phóng viên đã tìm về ngôi làng này để xem sự thay đổi sau khi bán được cây sưa. Bước chân tới đầu làng, sự thay đổi lớn nhất là con đường nhựa đã được làm mới hoàn toàn, quanh khu vực đình nơi có cây sưa được xây cổng đá, làm kè đá, sửa chữa lại khuôn viên với dáng vẻ mới.
Theo một người dân tại đây, việc bán cây không chỉ giúp xây dựng được cơ sở vật chất mà cũng giúp được phần nào cho người dân có khoản tiền trang trải. Tuy rằng, giá trị thực tế của cây phải gấp nhiều lần như vậy.
Gác lại những khuất tất phía sau, anh Nguyễn Văn Giảng, trưởng thôn mới của thôn Đông Cốc (Bắc Ninh) cho biết, số tiền từ việc bán cây sưa hơn 200 tuổi đã giúp địa phương có kinh phí xây cổng đình, làm lại khuôn viên đình, lát sân, xây công trình tự hoại, đổ đất, san lấp lại ao đình, làm đường điện chiếu sáng,…
“Có tiền xây dựng quê hương, xây dựng các công trình phúc lợi, chúng tôi còn có kinh phí để tổ chức lễ hội hàng năm”, anh Giảng nói và thông tin thêm, vừa rồi, dân làng cũng thống nhất bán thêm 1 cây sưa nữa với giá hơn 3 tỷ đồng.
Số tiền bán cây đó theo trưởng thôn này đang được gửi vào tài khoản ngân hàng và sẽ được dùng vào việc xây dựng chùa. Số tiền này cùng với số tiền còn lại từ việc bán cây sưa hơn 200 tuổi được để chung vào một tài khoản và do 10 người dân làng đứng tên.
Những người này đều được cộng đồng dân cư bầu ra. Muốn chi khoản gì thì đều phải được sự nhất trí của cộng đồng dân cư, sau đó mới được giải ngân và thực hiện.
Hiện tại, ở sân đình làng Đông Cốc, còn nhiều cây sưa. Tuy nhiên, đa phần là cây nhỏ, giá trị chỉ vài chục triệu đồng. Cây sưa tiền tỷ duy nhất còn lại, cũng là cây từng bị đồn thổi là dân làng Đông Cốc muốn bán là cây trên 400 tuổi. Lúc “hot” nhất, ước tính giá trị cây có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.