dd/mm/yyyy

Phương pháp thiết kế lồng nuôi cá lăng chi phí ít hiệu quả cao

Đặc sản cá lăng mới được đưa vào nuôi ở Việt Nam và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để thu được thành công bà con cần trú trọng khâu thiết kế lồng nuôi.

Hiện nuôi cá lăng đang rất phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Hòa Bình…

Anh Nguyễn Minh Tuấn kiểm tra lồng bè nuôi cá lăng của gia đình trên sông Gâm (Na Hang, Tuyên Quang)

Theo anh Nguyễn Minh Tuấn - một chủ lồng nuôi cá lăng trên sông Gâm ở thị trấn Na Hang (Tuyên Quang), để nuôi được cá lồng, đặc biệt là loài cá lăng, người nuôi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm về thiết kế lồng bè nuôi sao cho vừa tiết kiệm chi phí mà hiệu quả để làm giàu từ loài cá đặc sản này.

1. Chọn vị trí xây dựng lồng, bè nuôi cá lăng

Nếu như nuôi trên sông, bà con nên chọn nơi có mực nước sâu từ 3m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5m và ít tàu thuyền qua lại, nguồn nước không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt.

Không nên nuôi ở nơi nước đứng hoặc nơi nước chảy xiết, thông số lưu tốc dòng chảy đạt 0,2 - 0,3m/giây; môi trường nước phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 – 8,5; oxy hoà tan > 5 mg/lít; NH3 < 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 – 330C.

Vị trí đặt lồng phải thuận lợi về giao thông, tiện cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Vùng nuôi lồng, bè nằm trong vùng đã được quy hoạch cho từng đối tượng thủy sản của địa phương.

2. Diện tích lồng, bè nuôi cá lăng

Lồng nuôi trên sông có diện tích không quá 0,2% so với diện tích khu vực neo lồng. Trên một đoạn sông dài 500m, rộng 200m chỉ được phép đặt 10 cụm lồng, mỗi cụm có diện tích 20m2.

Bố trí lồng trên sông thành từng cụm, mỗi cụm 10 - 15 lồng (không quá 20 lồng), khoảng cách giữa các cụm cách nhau từ 200 – 300m bố trí theo hình chữ Z.

3. Khung lồng nuôi cá lăng

Một cụm lồng gồm các bộ phận chính: Khung lồng, phao, nhà bảo vệ, lưới lồng, dây neo, neo, đá ghiềm...

Đối với khung sắt, nên dùng khung làm bằng ống tiếp sắt phi 34 (hoặc phi 42, phi 49) có mạ lớp kẽm chống rỉ, mỗi cây dài 6m và ống nối sắt phi 34.

Khung lồng có kích thước 24m x 12m, gồm 2 dãy, mỗi dãy 5 ô, mỗi ô kích thước 4,5m x 4m; hoặc khung lồng có kích thước 18m x 18m, gồm 3 dãy, mỗi dãy 3 ô để mắt lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 5 x 5m.

Các tiếp sắt phi 34, mỗi cây có chiều dài 6m được nối thẳng với nhau bằng ống nối phi 34. Toàn bộ các tiếp sắt dọc và ngang được hàn gắn chặt với nhau tạo thành khung lồng.

4. Phao nâng lồng

Phao nâng lồng nên dùng tấm xốp có kích thước 50cm x 60cm x 90 cm, thùng phi sắt hoặc phi nhựa 200 lít. Để đảm bảo sức nổi của lồng, bố trí mỗi ô lồng từ 4 – 6 phao, được cố định vào khung lồng bằng dây thép.

5. Lồng lưới

Lồng lưới có dạng hình hộp lập phương, hoặc hình chữ nhật có 1 mặt đáy, 4 mặt bên, mặt để hở gọi là miệng lồng.

Lồng làm bằng lưới polyetylen (PE) dệt không co rút. Cỡ mắt lưới phụ thuộc vào kích cỡ cá lúc thả thường (2a) = 1 - 4cm. Trong một vụ nuôi thường ta sử dụng 3 loại mắt lưới: Ban đầu chọn mắt lưới có kích thước (2a) =1cm, kích thước thứ 2: 2a = 2,5 cm, kích thước thứ 3: 2a = 4cm, đáy lưới lồng được cố định bằng dây giềng nối với đá ghiềm.

Kích thước lồng được chia làm ba cỡ:

Lồng nhỏ kích thước 4 - 100 m3, độ sâu 1 - 2,5 m

Lồng trung bình thể tích 100- 500 m3, độ sâu 2,5 - 5m

Lồng lớn thể tích 500 – 1600 m3, độ sâu 5 - 7 m

Tất cả các lồng dù thiết kế bằng vật liệu gì, trên các mặt của thành lồng đều có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài.

Thiết kế lồng nuôi cá lăng hợp lý sẽ giúp người nuôi tận dụng tốt điều kiện tự nhiên và giảm chi phí để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Lưu ý khi tiến hành lắp cụm lồng:

  • Đặt các ống song song, khoảng cách các phao bằng khoảng cách lồng lưới.
  • Dùng khung lồng đã hàn sẵn đặt lên phao, gắn phao vào khung lồng bằng dây thép.
  • Khi lắp khung cụm lồng đặt trên bờ, sau đó chuyển xuống nước để lắp lồng lưới.
  • Trên cụm lồng lắp nhà bảo vệ diện tích bằng 1 đến 2 ô lồng. 
Hải Đăng