Huế có thêm phố đi bộ nối ba đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu và Chu Văn An (phố đi bộ đầu tiên ở Huế trên đường Nguyễn Đình Chiểu chạy dọc sông Hương, từ Trung tâm Dịch vụ festival đến cầu Tràng Tiền). Và sau hơn 2 tháng, có chút hụt hẫng bởi hóa ra cũng không có gì khác với những phố đi bộ khác trên cả nước - ngoại trừ Hội An. Phố đi bộ, cơ bản vẫn là phố… đi nhậu!
Gặp lại năm tháng cũ
Về Huế. Lâu lắm tôi mới có cảm giác nấn ná muốn ở lại thêm bữa nữa để chờ đợi một điều gì đó mới lạ. Lần này là chờ cho đến tối thứ 6 để được đắm mình vào phố đi bộ. Cảm giác hồi hộp bởi từ chiều, sau nhiều tháng quay lại một vòng các tuyến phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu - nơi thường gọi là "khu phố Tây" của Huế, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt.
Đường phố trở nên sạch đẹp, hàng quán bỗng dưng trang hoàng "có gu". Và tất cả mặt tiền cũng như lề đường, người dân đã và đang hối hả "đập" ra làm lại để biến thành một cái quán hay góc quán nào đó trong những thứ đang thịnh hành là ăn nhậu, cà phê hoặc bán một thứ gì đó.
Chả là thành phố Huế vừa đổ vào đây ngót 50 tỉ đồng để tu sửa cơ sở hạ tầng. Và ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP.Huế tự hào nói rằng 3 tuyến đường này "được đánh giá là một trong các tuyến phố có hệ thống hạ tầng chất lượng cao, mẫu mực của cả nước". Một nỗ lực của chính quyền và ngành du lịch địa phương nhằm tạo thêm một khu vui chơi giải trí về đêm, vốn rất thiếu vắng ở vùng đất mà người ta hay nói đùa là "đi ngủ trước gà"!
Ông Thành nói thêm: "Đây còn là những tuyến phố văn minh kiểu mẫu, phố không rác, kinh doanh mẫu mực, đồng thời tạo thói quen đi bộ, rèn luyện sức khỏe. Và có đến 202 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và cả ngoài khu vực, đặc biệt là các gia đình, cá nhân dù không kinh doanh nhưng đã đồng hành, chia sẻ, ủng hộ, tham gia góp ý cho phố đi bộ cuối tuần".
Rồi cũng đến giờ người ta đặt cái bồn hoa rào đường kiểu như ở phố cổ Hội An. Mấy ông bảo vệ chặn xe đợt này bỗng dưng hướng dẫn ân cần, nhẹ nhàng hơn những đợt khác và nơi khác. Rồi cũng chen trong dòng người đông quá trời đông kéo nhau đi lững thững ngắm nghía hai bên đường và ngắm nhau. Dò dò hỏi hỏi một hồi mới phát hiện hơn hai phần ba dòng người chen chúc giữa đường kia là dân Huế. Số còn lại là khách du lịch thì cũng hơn hai phần ba là người nước ngoài đang ở Huế trong dịp này.
Đi một hồi đến khi mỏi chân và trời rũ sương xuống một màu vàng vàng thì Thành - một người Quảng yêu Huế - rủ "mình vào quán bia nghỉ một lát". Thật ra thì ở đây còn có một lựa chọn khác là cà phê hoặc mấy cửa hàng ăn vặt nhưng thôi chiều bạn.
Ngó tới ngó lui, quán bia nào trong phố đi bộ, trong nhà hay ngoài vỉa hè đều người chật như nêm. Đành chọn chen vào một quán bên đường ở xa sân khấu giữa ngã tư đang xập xình nhạc sống, chủ yếu là trả tiền cho chỗ ngồi để đỡ mỏi chân và tiếp tục ngắm người qua lại. "Hình như em gặp lại đâu đó những năm tháng cũ".
Thành là cựu sinh viên khoa Văn trường Đại học Khoa học Huế, bỗng dưng liên tưởng dù đông đúc nhưng phố đi bộ có gì đó giống với không khí u hoài, ẩm ương của ga Huế và phố bánh canh Hàn Thuyên huyền thoại bên Thành Nội - nơi Thành và tôi cùng nhiều thế hệ sinh viên Huế gá tuổi thanh xuân của mình vào đó. Thì cũng là ăn với nhậu, cũng là màu sương vàng võ và những tiếng người ấy, khác chăng là ở đây ăn với nhậu có "bầy đàn" cùng một mớ âm thanh hỗn độn nhưng được phép nhậu đến 2h sáng hoặc hơn mà không ai ý kiến.
Không phải cấm xe là thành... phố đi bộ
Thật ra là tôi thấy nhớ Hội An - nơi có thể nói là duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này có phố đi bộ đúng nghĩa và đáp ứng được gần như mọi nhu cầu của khách đi bộ từ hệ thống chùa chiền và những lễ nghi (đáp ứng nhu cầu chiêm bái, tâm linh); hàng ăn vặt và không vặt, quán bia; những tụ điểm mua sắm; những điểm thưởng thức nghệ thuật đường phố… Đặc biệt là không gian cổ kính huyền ảo của một di sản thế giới.
Ở Huế, chỉ có phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu là có hơi hướng giống Hội An khi nằm dọc bờ sông Hương và cận kề với những địa chỉ văn hóa như: Công viên tượng đài Phan Bội Châu, Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán… Nhưng những nơi này đều đóng cửa vào ban đêm, nên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã trở thành phố mua sắm (chủ yếu hàng Tàu) và là nơi bán cà phê, quán nhậu.
Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An thì hoàn toàn không có công trình văn hóa, kiến trúc nào gắn liền mà chỉ đơn thuần là những tuyến phố chuyên phục vụ ăn uống cho khách Tây từ mấy chục năm trước.
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, người từng trải nghiệm với nhiều phố đi bộ ở Việt Nam và thế giới như: Sài Gòn, Hà Nội, Hội An, Cần Thơ, Sa Pa, Paris, Bruxelles, Berlin, Venise, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải… có một nhận xét thú vị về bệnh chung của những phố đi bộ ở Việt Nam: "Các khu phố đi bộ ở Việt Nam chủ yếu là nơi mua sắm và ăn uống về đêm, được hình thành ở những nơi có nhiều hàng quán kinh doanh, nhiều du khách lui tới và thường là tạm bợ - trừ phố đi bộ ở Hội An vốn là một khu dân cư sinh sống ổn định từ hàng trăm năm nay và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trong khi đó, các khu phố đi bộ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phương Tây thì thường ở khu trung tâm, nơi có quảng trường rộng rãi, có tòa thị chính, các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng, các công trình văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu của thành phố và địa phương ấy".
Nghệ thuật đường phố - điểm nhấn của tất cả phố đi bộ, theo Thành, ngoài đêm khai mạc và một số đêm sau đó được tổ chức bài bản. Còn đêm chúng tôi có mặt, nghệ thuật đường phố chỉ là một nhóm nhạc loại "cây nhà lá vườn" biểu diễn ở sân khấu ngay ngã tư. Nghiệp dư đến mức ca sĩ mặc cả quần lửng và phía trước còn mở cả cái… va ly để "ông đi qua bà đi lại".
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, đó là "bệnh" chung khi tại nhiều khu phố đi bộ ở Việt Nam, chính quyền hoặc một nhà tài trợ nào đó trả tiền để duy trì các chương trình nghệ thuật, thậm chí trả thù lao cho các nghệ sĩ đường phố để họ biểu diễn cho du khách và người dân địa phương xem.
"Vì có nhà tài trợ, nên những chương trình biểu diễn này thường rập khuôn, thiếu sáng tạo, đôi khi biểu diễn… cho có, theo kiểu "ăn cơm chúa, phải múa cho xong". Và vì một lý do nào đó mà nguồn kinh phí này bị ngưng, thì các chương trình nghệ thuật trên phố đi bộ cũng chấm dứt theo. Trong khi đó, những chương trình nghệ thuật trên các phố đi bộ ở nước ngoài thường là những chương trình đặc sắc, có nơi thu phí vào cửa; còn các nghệ sĩ đường phố thì kiếm tiền từ những đồng xu nhỏ do du khách trực tiếp ủng hộ sau khi xem họ biểu diễn. Vì thế nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, sáng tạo ra những tiết mục hay hơn, hấp dẫn hơn để thu hút du khách và kiếm tiền từ họ" - TS. Trần Đức Anh Sơn nói.
Một điểm nhấn khác là hàng lưu niệm thì còn buồn hơn bởi Huế một thời là trung tâm sản xuất hàng mỹ nghệ của cả nước, gần đây năm nào Huế cũng tổ chức thi làm mẫu, nhưng hàng lưu niệm ở Huế chưa bao giờ có cái khả dĩ để có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng Tàu. Nếu có thì cũng cơ bản giống nhau, mua đâu cũng được nên không hấp dẫn du khách. Trong khi ở các khu phố đi bộ ở nước ngoài hoặc ở phố đi bộ Hội An, hàng lưu niệm rất phong phú và có tính bản địa rất cao, rất nhiều mặt hàng là sản phẩm thủ công cao cấp của địa phương. Vì thế du khách rất thích lui tới những nơi này và mua sắm hàng quà của địa phương để kỷ niệm chuyến du lịch của mình.
Thất vọng và mệt mỏi là cảm giác của tôi và rất nhiều người khác khi phải chen chúc trong những khu phố đi bộ đông đúc nhưng nhạt nhẽo như ở Huế và nhiều địa phương khác. Vậy nên, nói như ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên giám đốc Trung tâm Festival Huế: "Nếu không có gì thay đổi trong mô hình tổ chức, quy hoạch không gian và quản lý hoạt động, thì tôi e rằng phố đi bộ mới ở Huế sẽ "lấp lánh" được ít bữa, rồi sẽ trở lại với thân phận của một con phố ăn đêm, nhậu đêm mà thôi".