Gia đình ông Lưu Văn Hạnh ở hồ Gò Miếu ( xóm Chuối, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) có 30 lồng nuôi nhiều loại cá, trong đó chủ yếu là nuôi cá lăng, nuôi cá chiên. Đây là những loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Cá giống được ông Hạnh nhập từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Trung tâm giống thủy sản Hà Nội. Thức ăn chính của cá là tôm tép thu mua ở các chợ, ngày cho ăn một lần. "Tôi đã nhiều lần thất bại khi nuôi thử các giống cá khác, cuối cùng may mắn thành công với mô hình nuôi cá lăng", ông Lưu Văn Hạnh nói.
Hồ Gò Miếu nằm giữa vùng núi cao, nước hồ tự nhiên, xung quanh không có con người sinh sống, không có ống cống xả thải ra môi trường nước. "Nhờ vậy cá ít bị dịch bênh. Tuy nhiên, khi nuôi tôi vẫn phòng bệnh cho cá bằng tỏi tươi. Tỏi xay trộn cám cho cá ăn 2 lần mỗi tháng", ông Lưu Văn Hạnh nói.
Ông Lưu Văn Hạnh cho biết, cá lăng gần một năm tuổi có thể nặng từ 3,5kg đến 4kg.
Cá lăng trắng là giống cá ít người nuôi, hiếm có ngoài tự nhiên. Toàn bộ lồng cá của ông Lưu Văn Hạnh có khoảng 20.000 cá lăng đen nhưng chỉ có vài con màu trắng. Giống cá này chậm lớn, thịt thơm và chắc nên có giá trị gấp đôi cá lăng đen.
Lái buôn từ các tỉnh, thành: Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Hòa Bình,...tìm đến hồ Gò Miếu để mua cá lăng. Giá cá lăng được ông Lưu Văn Hạnh bán tại bè là 75.000 đồng mỗi kg.
"Năm 2017, nhà tôi khai thác được 60 tấn cá. Năm 2018 dự kiến đạt 100 tấn, doanh thu khoảng 3 tỉ đồng", ông Lưu Văn Hạnh nói.