Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phải có chính sách khuyến khích những cá nhân, doanh nghiệp tìm về nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về làn sóng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn?
Từ trước đến nay, lĩnh vực nông nghiệp vẫn được đánh giá là khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp là 3,5 triệu USD với 514 dự án. Nếu so với tổng vốn đầu tư lũy kế vào ngành nông nghiệp thì số vốn này chỉ chiếm khoảng 1%.
Nhưng chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gầp 2 lần; hiện cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp tìm về nông nghiệp đầu tư. Rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nông nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam đã chiếm tỷ trọng cơ bản.
Ví dụ, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 40%; ngành chăn nuôi trước đây các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế thì hiện nay doanh nghiệp Việt đã đạt 70%; ngành nuôi, chế biến xuất khẩu tôm, cá tra chủ yếu là sự góp mặt của doanh nghiệp Việt. Đó là niềm tự hào rất lớn khi nông nghiệp ngày càng chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ, thu hút các doanh nghiệp đến tìm cơ hội làm ăn.
Điều đáng mừng là, tất cả những doanh nghiệp nông nghiệp lớn đến thời điểm này đều ghi nhận những thành công bước đầu, chưa có sự đổ bể, họ đã đồng hành cũng nông dân tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ rất tốt, có những lĩnh vực trong năm qua phát triển tới 300% chính nhờ những nhân tố này.
Có những doanh nghiệp dám đầu tư 15.000 tỷ xây dựng một nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại. Họ phải có niềm tin vào sự thành công bền vững trong tương lai mới có thể có những quyết định táo bạo đến như vậy. Nhiệm vụ của chúng ta là phải cảm ơn, phải khuyến khích những người đã mạnh dạn tìm đường về nông nghiệp; động viên họ cố gắng đẩy mạnh liên kết với nông dân để tạo ra diện mạo mới cho nền nông nghiệp. Xin nhắc lại, không có những doanh nghiệp mạnh dạn tìm về nông nghiệp, chúng ta khó có thể đạt được những kết quả như hôm nay.
Từ làn sóng đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thành quả của ngành nông nghiệp năm 2018?
Nếu đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới thì thành tựu chúng ta đạt được rất đáng tự hào, nó cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn và dù cho có chịu nhiều tổn thương thì chúng ta vẫn nỗ lực vươn lên bằng chính nội lực của mình.
Có thể thấy một xu hướng chung của nền kinh tế thế giới của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009 là các nước đều chăm lo nhiều hơn cho nông nghiệp, kể cả nước phát triển hay đang phát triển đều coi nông nghiệp là nền tảng, là chỗ dựa. Với một nước xuất khẩu nông sản lớn như Việt Nam, khi các nước quan tâm hơn đến nông nghiệp, việc bị ảnh hưởng là đương nhiên khi cuộc chiến cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
Đó là chưa kể, có một xu thế đang nổi lên và phát triển mạnh mẽ, đó là nhiều nước quay trở lại áp dụng các rào cản kỹ thuật để bảo hộ mậu dịch, ngược chiều với trào lưu tự do hóa thương mại, cực đoan đến mức chiến tranh thương mại đã nổ ra.
Nói những điều này để thấy, trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh gay gắt, kết quả chúng ta đạt được rất đáng tự hào khi cả 5 chỉ tiêu quan trọng (tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai và độ che phủ) đều đạt và vượt so với chỉ tiêu, thậm chí có những lĩnh vực xác lập kỷ lục mới cao nhất từ trước đến nay (xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD).
Chúng ta cũng bảo toàn được thành quả nhờ khả năng ứng phó với thiên tai ngày càng hiệu quả, dẫn đến giảm thiểu thiệt hại đáng kể về người và của.
Phải khẳng định, có được điều này là nhờ sự vào cuộc ráo riết của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nông dân. Và trong thành công này, dấu ấn của doanh nghiệp, của những người tìm về, khởi nghiệp với nông nghiệp là vô cùng lớn. Chính họ đã tạo ra phương thức sản xuất mới, tạo động lực cho mối liên kết với nông dân.
Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng nhìn thấy rõ những thách thức của ngành nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, chúng ta hóa giải điều này như thế nào?
Đúng là so với các cường quốc nông nghiệp khác, nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, chủ yếu do quy mô sản xuất còn quá nhỏ lẻ mang lại. Ngay trong kết quả kim ngạch xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD, ngành nông nghiệp vẫn đánh giá còn nhìn thấy bóng dáng của việc lợi dụng các yếu tố tài nguyên sẵn có, chứ chưa phải đạt được bằng áp dụng khoa học công nghệ. Những thách thức này không thể giải quyết được trong một sớm một chiều.
Tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau trong các tổ hợp tác, hợp tác xã; giữa doanh nghiệp và nông dân là rất quan trọng, là đòi hỏi tất yếu. Nhất là trong bối cảnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng (hiệp định CPTPP có hiệu lực và thực hiện 12 hiệp định thương mại tự do - FTA), nếu không liên kết chúng ta sẽ không đủ sức cạnh tranh.
Rõ ràng, khi thực hiện các FTA, về lâu dài chúng ta được đánh giá có lợi thế về mặt thị trường nhưng trước mắt cũng chịu tổn thương rất lớn, nhất là ngành nông nghiệp, nhất là khi phải cạnh tranh với những nước có nền nông nghiệp phát triển, có tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản phẩm lớn; có nhiều tập đoàn khổng lồ đầu tư vào nông nghiệp.
Những thách thức này phải được quan tâm để từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức chỉ đạo thực hiện. Chúng ta không chủ quan trên chiến thắng nhưng cũng không quá hoang mang. Nông dân của chúng ta rất cần cù, sáng tạo, doanh nghiệp tìm về nông nghiệp ngày càng nhiều, coi đó là mảnh đất màu mỡ, nếu liên kết tốt, chúng ta sẽ thành công.