Đầu tháng 11 âm lịch, bà Sơn Thị Huân (62 tuổi, trú thôn 7, xã Xuân Hồng) đắp bờ ruộng để bắt vụ rươi cuối cùng trong năm. "Những mùa rươi trước, một sào ruộng của gia đình vớt được vài chục kg rươi, bán giá 600.000 đồng một kg. Năm nay sản lượng giảm, đầu vụ đến nay chỉ bắt được 6 kg, giá giảm còn 400.000 đồng một kg", bà Huân nói.
Dọc cánh đồng hàng chục ha ở các thôn 7, 8, 9 ven quốc lộ 1A, xã Xuân Hồng đều được căng lưới. Từ khi kết thúc vụ lúa hè thu hồi tháng 9, hàng trăm gia đình đem cọc tre ra cắm bờ, dùng lưới quây ruộng thành từng ô để mỗi tháng hai lần chờ khi nước sông dâng lên thì vớt rươi.
Ruộng của người dân xã Xuân Hồng trũng, nước sông Lam thường tràn vào thuận lợi cho rươi phát triển, sinh sản. Hàng chục năm trước, vào ba tháng cuối năm, người dân trong vùng đã quây ruộng bắt rươi.
Theo bà Huân, các gia đình sở hữu từ một đến năm sào ruộng, ngoài canh tác hoa màu vụ chính, ai cũng tập trung cải tạo ruộng để thu "lộc trời". "Trước mỗi vụ lúa, chồng tôi yêu cầu thợ cày thật sâu, để đất sau khi thu hoạch vẫn nhuyễn. Vì bùn càng nhão, rươi càng nhiều", bà nói.
Làm rươi chi phí đầu tư thấp. Một vụ, tùy từng khoảnh ruộng, người dân phải chi 100.000-400.000 đồng mua lưới về quây lại từng ô. Nhiều hộ tiết kiệm dùng lưới cũ, cứ hai năm mới thay mới một lần.
Công đoạn mất thời gian nhất là dọn bờ. Để chuẩn bị cho vụ vớt rươi vào đầu và giữa tháng, trước đó vài ngày, người dân phải dầm mình giữa đồng nhiều tiếng hốt cỏ, đắp bờ, tạo cửa để rươi chui vào lưới.
Cuối mỗi khoảnh ruộng, có một "ô cửa", xung quanh đóng cọc tre chi chít, vây lưới tạo thành một bọc lưới lớn, khi xả nước rươi sẽ tự động chui vào. Để chắc chắn, nhiều người dùng xi măng, gạch đá xây luôn cả hệ thống cửa bắt rươi bên bờ ruộng, dùng được lâu dài.
Bắt rươi phụ thuộc vào nước sông, khi nào nước dâng ngập ruộng người dân mới tháo bờ để bắt. Một vụ có thể bắt được 6 lần, vào các ngày đầu và giữa mỗi tháng 9, 10, 11. Rươi thường nổi lên vào đầu giờ tối hoặc lúc rạng sáng, mỗi lần khoảng 3 tiếng.
Ông Nguyễn Văn Thời (55 tuổi, trú thôn 8, xã Xuân Hồng) nói, những đêm nước dâng, tại các cánh đồng ở xã Xuân Hồng người dân tập trung đông như mở hội, ánh đèn pin sáng một vùng. Mỗi gia đình huy động 3-5 thành viên, đem theo vợt, xô để vớt "lộc trời". Khi nước ngập bờ ruộng, ở phía cửa xả sẽ mở, rươi theo dòng nước chui vào bọc lưới. Với những con nổi trên mặt nước, từng người chia nhau đứng ở nhiều vị trí, dùng vợt vớt bỏ vào xô.
"Tôi có hai sào ruộng, mỗi đêm vớt được khoảng 5 kg rươi, hiện đã thu khoảng 8 triệu đồng. Nhiều gia đình đầu tư lớn khi tận dụng ao, hồ gần sông để bắt rươi, mỗi khi rươi xuất hiện vớt được vài chục kg, thu 10 triệu đồng mỗi đêm", ông Thời nói và cho hay, không phải lúc nào nước dâng cũng có rươi. Những hôm trời rét, rươi không chui ra.
Vớt rươi vất vả đêm hôm, song luôn "tiền trao cháo múc", không bị nợ nần như khi đi xây, phụ hồ, cửu vạn... nên hàng năm ai cũng tranh thủ. Cứ mỗi lần bắt rươi xong, thương lái luôn túc trực trên bờ, mua hết rươi đem bán tại nhiều tỉnh. Một số hộ đem về bán cho các nhà hàng ven quốc lộ 1A làm đặc sản.
Rươi là một loại giun, thường sống ở vùng nước lợ cửa sông, cửa biển. Rươi trưởng thành dài 7-10 cm, thân hình dẹp ngang khoảng 0,5 cm. Màu rươi hồng hoặc xanh phụ thuộc nguồn nước.
Rươi được coi là thực phẩm bổ dưỡng vì chứa nhiều đạm và các loại muối khoáng như canxi, photpho, sắt, kẽm... Ở Hà Tĩnh, con rươi có thể chế biến thành các món ăn như chả rươi, rươi đúc trứng, rươi xào măng... giá bán 200.000-400.000 đồng mỗi đĩa, mắm rươi bán 500.000 đồng một chai 700 ml.