Nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh
Với lợi thế là vùng trung du bán sơn địa, có hồ Đồng Nghệ cung cấp nguồn nước tưới dồi dào nên nghề nuôi cá nước ngọt đã thu hút nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Khương tham gia. Việc nuôi cá nước ngọt tại đây ngày càng được nhân dân phát triển mạnh và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho biết, ở xã Hòa Khương, hiện có hơn 330 hộ nuôi cá, năm trên địa bàn 10 thôn, với tổng diện tích mặt nước 62 ha. Trong đó, khu nuôi cá tập trung ở 2 thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 có diện tích 12 ha với hơn 70 hộ dân canh tác. Nơi đây có hệ thống cấp nước của hồ Đồng Nghệ đi qua nên rất thuận lợi cho công tác nuôi trồng thủy sản.
Được biết, để liên kết và phát triển mạnh nghề chăn nuôi cá nước ngọt một cách hiệu quả, năm 2013, các hộ nông dân nuôi cá tại Hòa Khương cũng thành lập tổ sản xuất để hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tổ sản xuất nhằm tập trung những hộ dân nuôi cá, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm đầu ra.
Theo các hộ chăn nuôi cá tại đây, hiện nay ngoài những loại cá nước ngọt như: diêu hồng, cá mè, cá trê, trắm cỏ… thì hiện có nhiều hộ dân đang nhân rộng mô hình nuôi cá trắm đen (giống được mua tại Hà Nội). Loài cá trắm đen được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao, sức đề kháng mạnh, giá thành lại cao...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp, mô hình nuôi cá nước ngọt ở địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trước đây, do có nhiều diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, người dân lại không mấy mặn mà, bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng nguồn thu nhập không đáng là bao. Vì vậy việc dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản là hướng đi cần thiết.
Nhiều hộ nông dân thu nhập 100 – 200 triệu/năm
Ở Phú Sơn 2, hộ ông Trần Hữu Chung đã đổi đời từ nghề nuôi cá trê lai. Trên 2.500m2 ao, năm nào hộ gia đình ông cũng thu gần 20 tấn cá. Hỏi về chi phí, lão nông này chia sẻ: “Tính hết các chi phí các thứ từ con giống, thức ăn, công chăm sóc… khoảng gần một nửa doanh thu. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi ròng 150 - 200 triệu đồng...”. Ông Chung cho biết thêm, nhờ nuôi cá nước ngọt mà gia đình tôi đã vươn lên làm giàu. Nhiều hộ nuôi cá như tôi cũng nhờ thế mà phất lên. Cách đây dăm năm, nhà cửa thôn này khá xập xệ, thế mà chỉ 3 - 4 năm nuôi cá, hộ nào hộ nấy đã xây được nhà nhà mới khang trang.
Tìm hiểu về kỹ thuật nuôi trê lai, ông Chung bật mí: “Thực ra trê lai là loại dễ nuôi nhất trong các loại cá nước ngọt. Nó ăn rất tạp và lâu ngày chưa thay nước cũng chẳng sao. Tuy vậy, để đạt năng suất cao, trước hết phải thả con giống tốt”.
Hiện bà con ở đây lấy giống tại Phú Ninh, Quảng Nam. Thức ăn cho cá là loại chế biến sẵn, hoặc cá biển xay nhuyễn. Mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng, tỷ lệ phụ thuộc vào tuổi thả. Có điều kiện thay nước thường xuyên cá chóng lớn và hạn chế dịch bệnh.
Tìm đến ao nuôi cá của ông Nguyễn Ngọc Xảo (61 tuổi, trú thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), đang dở tay cắt đám cỏ cho cá ăn, thấy chúng tôi, ông hồ hởi vừa cắt cỏ vừa trò chuyện. Ông Xảo chia sẻ, gia đình ông có tất cả 1,5 ha dùng để nuôi cá trắm cỏ, cá mè… Ưu điểm của các loại cá này là mật độ dày, dễ sống, tạp ăn. Nhờ nuôi cá nước ngọt như vậy mà mỗi năm năm ông Xảo cũng thu lãi được hơn 100 triệu đồng.
Được biết, mô hình cá nước ngọt ở xã Hòa Khương đã được địa phương chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của huyện Hòa Vang. Trong thời gian tới mô hình cá nước ngọt ở Hòa Khương sẽ được đầu tư và nhân rộng thành vùng chăn nuôi đặc trưng.