Tác dụng của xạ đen với sức khoẻ
Xạ đen là loại cây phổ biến ở Việt Nam, chứa nhiều thành phần tốt cho sức khoẻ.
Cây xạ đen thường mọc ở đồi, rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh, ven đồi, đồng bằng, đất sét hoặc đất cát. Xạ đen có nhiều ở Quảng Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, vùng núi cao…
Báo Sức khoẻ & đời sống dẫn lời BSCKII. Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình cho biết, lá tươi hoặc khô, rễ, cành, thân cây, vỏ, các loại cây ký sinh trên cây xạ đen tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Tùy theo mục đích chữa bệnh, thầy thuốc Đông y có thể bào chế theo cách riêng của mình như tẩm muối, tẩm dấm, ngâm, ủ.
Theo y học hiện đại, xạ đen cũng như nhiều loại cây khác thuộc họ Celastraceae rất giàu các hợp chất như glycoside tim, flavonoid, alkaloids, acid chlorogenic, acid caffeic, triterpenoid Trong đó, glycoside tim là những glycoside steroid tác dụng làm chậm và điều hòa nhịp tim.
Flavonoid là nhóm hợp chất tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương của các gốc tự do, chống viêm loét, an thần, tăng tuần hoàn máu não.
Báo Dân trí dẫn nguồn Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, đối với bệnh lý ung thư, lá xạ đen đang được nghiên cứu để đánh giá hiệu quả.
Trong đó, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc sử dụng dịch chiết lá xạ đen để xem khả năng chống lại tế bào ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư vú. Kết quả là khả năng gây độc tính đạt mức độ trung bình và yếu.
Một nghiên cứu khác tại Việt Nam đánh giá ảnh hưởng của dịch chiết trong lá xạ đen Celastrus hindsii Benth (được trồng ở châu Âu) lên tế bào ung thư trên chuột.
Lá xạ đen sau khi thu hái được tách chiết với kỹ thuật cao (rửa, sấy khô, cắt nhỏ rồi chiết xuất với cồn 90%, lặp lại 3 lần, sau đó dịch chiết được lọc bằng kỹ thuật cao). Nghiên cứu này thử nghiệm trên chuột với 3 dòng tế bào ung thư ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.
Kết quả cho thấy dịch chiết lá xạ đen cho tác dụng mạnh nhất với hai dòng tế bào ung thư gan và phổi, ngoài ra cũng có tác dụng chống oxy hóa. Từ đó cho thấy tiềm năng của lá xạ đen trong việc chống oxy hóa và gây độc với các dòng tế bào ung thư.
Những người không nên uống xạ đen
Xạ đen tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam nêu, thông thường xạ đen dùng sẽ tương ứng từ 10 – 15g dược liệu khô, tối đa chỉ nên dùng xạ đen khoảng 70g/ngày. Không nên dùng xạ đen vượt quá liều lượng cho phép, vì quá liều có thể làm tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt.
Thuốc hoặc trà từ xạ đen nên nấu hoặc hãm đúng liều lượng và dùng hết trong ngày, tránh để qua đêm, bởi khi sử dụng qua đêm có thể gây đầy bụng, đau bụng, thậm chí tiêu chảy.
Không được tự ý tăng giảm liều lượng hoặc phối hợp xạ đen với các loại dược liệu khác, để tránh gây ra những tác dụng không mong muốn.
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con cho bú không nên dùng xạ đen. Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bệnh nhân suy gan, suy thận là những đối tượng không nên sử dụng. Trường hợp muốn dùng xạ đen để hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
Xạ đen có tác dụng an thần nên có thể gây buồn ngủ, ngủ gà cần lưu ý khi lái xe, vận hành máy móc và làm những công việc cần sự tỉnh táo.
Khi uống xạ đen không nên sử dụng thức uống có cồn (rượu, bia), các loại thực phẩm như cà pháo, đậu xanh, măng chua, rau muống... vì có thể làm giảm tác dụng của xạ đen.
Đối với người đang dùng thuốc tây y để điều trị các bệnh khác, nên uống thuốc tây và các bài thuốc từ cây xạ đen cách nhau tối thiểu 30 phút, để đạt hiệu quả và tránh tương tác thuốc bất lợi.
Trên đây là những tác dụng của xạ đen, những người không nên uống xạ đen và cách sử dụng xạ đen đúng cách. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.