dd/mm/yyyy

Nhìn ra thế giới: Đô thị xanh những vườn rau

Ý tưởng trồng cây ăn trái và rau trên sân thượng hay những tòa nhà cao tầng sử dụng công nghệ cao và ánh sáng nhân tạo có thể từng bị xem như một ý tưởng kỳ lạ. Nhưng giờ đây, ...

... Ở khắp các đô thị lớn từ Bắc Kinh tới Sydney, Tokyo tới Singapore, nông nghiệp là một phần không thể thiếu trong quy hoạch đô thị không chỉ ở châu Á mà khắp nơi trên thế giới. Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết trên thế giới ước tính có 800 triệu người trồng rau quả hay chăn nuôi ở thành phố, tạo ra tới 15-20% lượng lương thực cho thế giới.

Khách tham quan tới Ngày hội nông nghiệp ở Bắc Kinh.
Khách tham quan tới Ngày hội nông nghiệp ở Bắc Kinh.

Ông Chris William, giảng viên về làm vườn đô thị tại trường Burnley thuộc đại học Melbourne nói nông nghiệp đô thị là thực tế mới trong một thế giới nơi hơn một nửa dân số đang bị đô thị hóa. Con số này ước tính sẽ tăng tới 70% vào giữa thế kỷ này theo dữ liệu của Liên hợp quốc. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã đẩy những nông trại một thời bao quanh các thành phố, thị trấn của chúng ta ra xa hơn và bao phủ chúng bằng những lớp bê-tông. Ngày nay nông nghiệp đô thị đã trở thành thuật ngữ thông dụng cho những nhà quy hoạch đô thị, dù nó ở nước công nghiệp hóa hay ở các nước đang phát triển.

Có sự khác biệt lớn giữa nông nghiệp đô thị ở các nước đang phát triển và các nước đã công nghiệp hóa. Ở các thành phố như Manila, Bangkok và Jakarta, người dân trồng rau trên bất cứ mảnh đất nào họ tìm được để kiếm ăn hằng ngày, trong khi đó ở Tokyo đó là trồng trọt bằng phương thức công nghệ cao trong những trang trại thẳng đứng. Ở những thành phố như Phnom Penh (Campuchia) hay TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), nông nghiệp đô thị là câu hỏi sống còn đối với người nghèo. Ở Singapore đó lại là câu hỏi về an ninh lương thực quốc gia. Dù trong trường hợp nào, những thành phố tương lai sẽ là sự kết hợp với nông nghiệp đô thị và tất cả các công nghệ mới gắn liền với nó.

Tại Milan, Italia vào cuối năm 2015 các thị trưởng từ hơn 100 thành phố trên thế giới, trong đó có nhiều thành phố châu Á đã gặp gỡ ký kết hiệp ước về chính sách thực phẩm đô thị mới nhằm hợp tác tốt hơn về hệ thống thực phẩm và nông nghiệp đô thị. Đây là một tín hiệu về sự trở lại của các vùng đô thị như một tiếng nói mạnh mẽ trong chính sách thực phẩm hiện đại. Khát vọng thực phẩm giá rẻ gắn kết với mong ước của người tiêu dùng. Gần 1/3 sản lượng thực phẩm ở Nhật Bản được sản xuất bởi nông nghiệp đô thị và những nông dân đô thị chiếm tới 25% hộ nông dân của đất nước này, theo một báo cáo của Liên hợp quốc.

Ở Tokyo, một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới, giữa những mạng lưới phức tạp của đường sắt, đường giao thông, nhà cao tầng,... các vườn rau được trồng tạo ra lượng rau đủ cung cấp cho gần 700 nghìn người trong thành phố. Đó cũng là thành phố có một trong những trang trại trong nhà lớn nhất thế giới trên diện tích hơn 2.300 m2. Trang trại sản xuất 10 nghìn cây rau diếp một ngày, cao hơn 100 lần so với phương pháp truyền thống. Nó sử dụng năng lượng ít hơn 40 lần và nước ít hơn 99% so với những cánh đồng ngoài trời, theo WebUrbanist, một tạp chí online về kiến trúc đô thị. Những trang trại trong nhà như thế đang phát triển ở Hồng Công, Nga và Trung Quốc...

Với 70% người Trung Quốc sẽ đô thị hóa vào năm 2030, theo dữ liệu của Liên hợp quốc, đất canh tác đang biến mất nhanh chóng. Trên khắp Trung Quốc, các thành phố đang khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị như một cuộc cách mạng đưa thực phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng và giảm thiểu tác động môi trường.

Tình hình này đặc biệt cấp bách ở châu Á, nơi các thành phố phát triển với tốc độ nhanh hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Theo đó thực phẩm cho dân số đô thị ngày càng tăng nhanh là một trong những thách thức lớn nhất của những nhà hoạch định đô thị thế kỷ 21. Theo ông Hiroyuki Konuma, trợ lý tổng giám đốc và đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO, 13 trong số 20 vùng đô thị đông dân nhất trên thế giới ở châu Á đô thị hóa với tốc độ chưa từng thấy trong vòng 20 năm qua. Dù nông thôn vẫn chiếm ưu thế nhưng khuynh hướng này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới. Trong thập kỷ này nói riêng ước tính 2/3 tăng trưởng ở các thành phố trên thế giới diễn ra ở châu Á, đưa dân số đô thị tăng thêm 411 triệu người.

Nhà sinh thái học đô thị và giáo sư trợ lý tại Đại học Melbourne Nicholas William nói: Trong suốt lịch sử, những nông trại quanh thị trấn và thành phố tồn tại nhằm cung cấp thực phẩm cho dân cư đô thị. Nhưng sự phát triển đô thị nhanh chóng chưa từng thấy khiến đất đai canh tác mất dần nhường chỗ cho đường giao thông và nhà cửa. Nông nghiệp đô thị không phải là một khái niệm mới. Nhưng ở nhiều thành phố hiện nay nó đã phát triển trên một quy mô lớn hơn trong những năm gần đây.

Singapore có thể là một thí dụ. Ở Singapore sản xuất nông nghiệp ở đô thị trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Thách thức mà chính phủ phải đối mặt là phải tìm một cách bền vững để cung cấp đủ lương thực cho dân cư đô thị. Hiện nay hơn 90% lương thực và thực phẩm của đất nước này là nhập khẩu từ hơn 30 quốc gia khác. Sự lệ thuộc này khiến đất nước dễ bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của giá cả và cung cấp lương thực. Cách duy nhất cho vấn đề này là tận dụng đất cho sản xuất lương thực, thực phẩm tới mức cao nhất. Do giá bất động sản quá cao ở đảo quốc này thì lựa chọn duy nhất là tìm đến mô hình trang trại thẳng đứng. Doanh nhân Jack Ng đã thành lập một trong những nông trại thương mại như thế đầu tiên trên thế giới Sky Greens. Nông trại này hai ngày sản xuất một tấn rau và năng suất gấp từ năm đến 10 lần nông trại thông thường. Bên cạnh năng suất cao trong việc sử dụng đất, thiết kế lấy năng lượng chạy bằng sức nước cũng thân thiện với môi trường và sử dụng nguồn lao động và năng lượng ít hơn. Nhờ chủ trương này trong hai, ba năm vừa qua hơn 80 mảnh vườn rau quả đã hình thành không chỉ ở những bất động sản tư hay công cộng và còn ở trường học, văn phòng, khu mua sắm... theo tờ StraitsTimes. Các công ty giúp xây dựng và duy trì những nông trại đô thị này có diện tích từ vài chục tới hàng trăm mét vuông nói lên mối quan tâm tới nông nghiệp đô thị ngày càng tăng.

Những khu vườn trong đô thị không chỉ có giá trị cung cấp thực phẩm cho thành phố. Ông James Lam, người thành lập Công ty UGrowGarden ở Singapore năm 2013 nói: “Mỗi người có lý do riêng để làm vườn. Các đầu bếp và hộ gia đình muốn sản vật tươi ngon trong bếp ăn của họ. Các công ty sử dụng vườn giúp nhân viên giải tỏa căng thẳng. Trường học sử dụng chúng như một công cụ dạy học sinh về kiến thức và kỹ năng làm vườn, làm việc nhóm hoặc như một trong những dịch vụ cộng đồng. Những khu vườn đó cũng là cách tốt để gắn kết cộng đồng và tình hàng xóm láng giềng”. Những khu vườn giúp tận dụng được những không gian còn bỏ trống trong đô thị và tạo ra công ăn việc làm cho không ít người thất nghiệp. Chẳng phải vô cớ mà những vườn rau quả xanh tốt đã trở thành điều không thể thiếu trong các đô thị hiện đại và khuynh hướng này ngày càng phát triển, được nhìn nhận một cách nghiêm túc bất chấp những khó khăn còn tồn tại.

Thanh Lan