dd/mm/yyyy

Nhiều thay đổi trong xuất khẩu sang Trung Quốc

Đã có nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, bắt buộc các doanh nghiệp, người dân phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất.

Vụ vải thiều năm nay, những loại vải cuống dài, lẫn lá sẽ bị từ chối xuất sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, văn bản này do chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ban hành. Tuy nhiên, thực tế tất cả các loại trái cây, trong đó có quả vải thiều Bắc Giang muốn vào thị trường Trung Quốc mà đi qua cửa khẩu Tân Thanh thì đều phải đáp ứng yêu cầu trên.

Vải thiều Lục Ngạn phải có tem nhãn, bỏ lá, cuống mới được xuất khẩu sang Trung Quốc. T.L
Vải thiều Lục Ngạn phải có tem nhãn, bỏ lá, cuống mới được xuất khẩu sang Trung Quốc. T.L

Các yêu cầu mà phía Trung Quốc đưa ra, bao gồm: tất cả sản phẩm hoa quả nói chung và vải thiều nói riêng của Việt Nam, trong đó có Bắc Giang muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải được cấp mã số vùng trồng. Tất cả sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc phải được doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói mà được phía Trung Quốc xác nhận đủ điều kiện đóng gói, chứ không phải do nông dân tự đóng gói.

Tất cả doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc phải được phía nước bạn cấp cho mã doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được.

Trước đó, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; mà yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít, Hải quan Trung Quốc yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).

Có 3 điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc gồm: Dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Tất cả vùng trồng dưa hấu phải đăng ký cấp mã số vùng trồng, đóng gói để truy xuất nguồn gốc. Để xác định được mã số đó phải có tem, các nhà nhập khẩu bên Trung Quốc phải kết nối với một công ty giám định của Trung Quốc để cấp tem. Bao bì, nhãn mác khi xuất vào nước nào thì phải dùng ngôn ngữ của nước xuất đến. Tuy nhiên, trên những chiếc tem đó đều phải ghi thông tin đầy đủ về xuất xứ nơi trồng, nơi đóng gói của sản phẩm.

Theo ông Bạch Chí Lương – cán bộ hải quan Bằng Tường (Trung Quốc): Việc sử dụng chứng minh thư cho trái cây nhằm phòng ngừa làm giả. Nhằm bảo đảm an toàn sinh học tại cửa khẩu, khi kiểm tra và kiểm nghiệm tại hiện trường, Hải quan sẽ xử lý và trả lại theo pháp luật nếu phát hiện các mặt hàng nhập khẩu tại chợ biên mậu thiếu nhãn mác đóng gói bên ngoài hoặc thông tin đóng gói không đầy đủ cũng như dán tạm bợ, viết tay, tùy ý sửa đổi thông tin nhãn mác hàng hoá.

Việc sử dụng “chứng minh thư” nhãn mác truy xuất nguồn gốc có thể phòng ngừa các mặt hàng nhập khẩu làm giả thông tin đóng gói trên chừng mực nhất định.

Khánh Nguyên