dd/mm/yyyy

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa: Mỗi phương án tên gọi có ý nghĩa, giá trị riêng

Về tên gọi thành phố sau khi nhập huyện Đông Sơn vào, Đề án đặt ra 2 phương án, phương án 1 tên là "Thành phố Thanh Hóa" và phương án 2 tên là "Thành phố Đông Sơn". Mỗi phương án có những ý nghĩa, giá trị rất riêng và được cân nhắc rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Hai phương án tên gọi

Ngày 14/9, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa cho ý kiến vào Để án nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP. Thanh Hóa cũng như tên gọi của thành phố sau khi nhập huyện Đông Sơn.

Theo đó, Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa nêu ra 2 phương án: Phương án 1 tên là "Thành phố Thanh Hóa"; phương án 2 tên là "Thành phố Đông Sơn".

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa: Mỗi phương án tên gọi có ý nghĩa, giá trị riêng - Ảnh 1.

Bảo vật Quốc gia Trống đồng Cẩm Giang rưng bày trang trọng cùng với các hiện vật Trống đồng Đông Sơn khác tại phòng trưng bày thuộc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Mỗi phương án tên gọi cho ý nghĩa và giá trị riêng.

Cụ thể, nếu như phương án 1 dựa trên cơ sở là truyền thống lịch sử, văn hóa của thành phố Thanh Hóa vốn tọa lạc trên vùng đất cách đây hơn 4.000 năm gắn với sự hình thành và phát triển của người Việt cổ.

Tên gọi thành phố Thanh Hóa được định vị và có độ nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế cũng như gắn liền với quá trình hội nhập, phát triển của thành phố Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa.

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa: Mỗi phương án tên gọi có ý nghĩa, giá trị riêng - Ảnh 2.

Kiếm ngắn núi Nưa, có niên đại Văn hóa Đông Sơn muộn, cách ngày nay khoảng 2.000 năm, sưu tầm được dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) năm 1961, còn tương đối nguyên vẹn.

Tên gọi này cũng đã gắn với danh xưng Thanh Hóa có lịch sử gần 1.000 năm.

Còn phương án 2 có tên gọi là "Thành phố Đông Sơn" lại gắn liền với địa danh có ý nghĩa truyền thống lịch sử văn hóa sâu sắc bởi đây là tên gọi của một trong 4 nền văn hóa của người Việt cổ là văn hóa Đông Sơn.

Xây dựng và phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại I

Đề án cũng đã nêu lên phương án thành lập 7 phường thuộc TP. Thanh Hóa gồm: Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn. 

Dự kiến, sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa và thành lập các phường, TP. Thanh Hóa có diện tích 228,22 km2, quy mô dân số 593.715 người, 48 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 37 phường, 11 xã…

Như vậy, có thể nói chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa được chuẩn bị, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, lắng nghe rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học.

Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa: Mỗi phương án tên gọi có ý nghĩa, giá trị riêng - Ảnh 3.

Cảnh một góc thành phố Thanh Hóa hiện tại.

Việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển TP. Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa; trở thành một đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; phù hợp với truyền thống lịch sử địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn; góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới của cả nước theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị.

Ngọc Thọ