Nhà vườn làm du lịch, chọn hướng đi riêng
Ông Phạm Văn Đen, ngụ phường Ngã Bảy nhận xét : “Hồi đầu thấy “ổng” trồng mấy cái thứ nầy, ai cũng “tá hỏa” nói rằng trồng dâu bòn bon xứ nầy có nước bán vườn. Vậy mà sau 20 năm mới biết “ổng” đi trước đón đầu trúng “phóc” và hốt bạc tỉ đều đều”.
Riêng ông Lê Minh Tâm chủ vườn dâu Thiên Ân cho biết; “Thấy vườn cây tạp của gia đình đã càn cỗi, thu nhập không nhiều, tôi quyết trồng dâu vì sẽ không sợ đụng hàng mà ít tốn chi phí đầu tư công chăm sóc. Ban đầu tôi chỉ trồng thử 8 công dâu bòn bon và gia bảo. Kết quả mang lại rất bất ngờ, sau 4 năm canh tác, thu nhập cao gấp 5 lần so với diện tích làm lúa…”.
Thừa thắng xông lên, ông Tâm tiếp tục chuyển đổi, mở rộng diện tích trên 50 công đất. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, ông đã tự nhân cây dâu giống sạch bệnh trồng trên đất nhà. Để đa dạng hóa vườn cây du lịch của mình, ngoài việc trồng dâu gia bảo và bòn bon là chủ lực, ông còn trồng thêm dâu Xiêm, dâu Hạ Châu.
Không chỉ phát triển thế mạnh về du lịch vườn sinh thái, vườn dâu Thiên Ân của ông Lê Minh Tâm còn là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao với lãi ròng mỗi năm trên 1 tỉ đồng.
Ghi nhật ký… để dâu đậu nhiều trái
Những năm gần đây, vườn dâu của gia đình ông Lê Minh Tâm đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách các tour du lịch miệt vườn. Vườn dâu không chỉ mang đến niềm thích thú, trải nghiệm độc đáo cho du khách trong nước mà còn tạo ấn tượng tốt đối với du khách nước ngoài.
Bà Chung Tử Quỳnh, du khách đến từ Đài Loan nhận xét: “Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước Viêt Nam, chưa từng thấy nơi đâu có nhiều dâu như ở đây. Cảnh rất đẹp mà chất lượng dâu rất thơm ngon, hoàn hảo. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân và còn trở lại đây nhiều lần nữa…Ở Việt Nam có những địa chỉ như vườn dâu này thì việc nông dân có thêm thu nhập là rất dễ…”.
Có được kết quả ấy chính là do ông Tâm đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm trồng dâu bòn bon từ nhiều địa phương khác nhau, từ nhiều tư liệu, từ các viện nghiên cứu, trường đào tạo có liên quan đến kỹ thuật trồng dâu. Bên cạnh đó, ông còn tự nghiên cứu cách chăm sóc, cho ra trái của riêng mình phục vụ du khách gần xa. Với diện tích 5 ha dâu cho sản lượng thu hoạch trên 120 tấn trái mỗi năm, cao điểm lên đến 150 tấn trái, với giá bán từ 10.000 đồng đến 11.000 đồng/ký theo thời vụ. Riêng năm 2017, giá bán trái dâu lên đến 12.000 đồng/ký đã đem lại nguồn lợi nhuận cho ông Tâm hơn 1,4 tỉ đồng.
Ông Lê Minh Tâm cho biết: “Trước đây thị trường ưa chuộng dâu Hạ Châu, nhưng vài năm trở lại đây, dâu bòn bon và Gia Bảo lại có giá bất ngờ. Giá bán dâu bòn bon và Gia Bảo thấp hơn không nhiều so với dâu xanh và Hạ Châu nhưng năng suất vượt trội hơn nhiều, từ đó người trồng “ trúng lớn”.
Mùa dâu chín từ tháng 5 - 8 hàng năm, vườn dâu Thiên Ân thu hút hàng ngàn du khách tới thăm quan, mua trái. Ảnh: Trương Thanh Liêm.
Theo ông Tâm, yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với người trồng dâu bòn bon đó là ghi nhật ký vào từng thời điểm, để từ đó tiến hành xử lí ra hoa, thổi phấn cho cây đậu trái đưa đến đạt năng suất cao nhất. Vườn dâu được đầu tư đúng kỹ thuật nên ngoài việc cho trái sum xuê còn tạo sự bắt mắt bởi màu sắc sặc sỡ, bóng đẹp của trái dâu.
Để kết hợp yếu tố kinh tế và du lịch, ông Tâm đã xây dựng nhiều cảnh quan, thiết chế văn hóa trong khu vườn dâu rộng lớn và bắt mắt của mình để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là mùa cao điểm dâu cho trái “ rộ” từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Hiện nay mỗi ngày nhà vườn sinh thái Thiên Ân đón hàng trăm khách đến tham quan du lịch vườn, riêng vào các dịp nghỉ lễ, tết, con số nầy lên đến hàng ngàn người.