Nhờ tiếp cận nguồn vốn Agribank hàng nghìn nông dân Hà Tĩnh đã vươn lên làm giàu từ nông nghiệp
Đất cằn cho quả ngọt
Về miền Trung, mảnh đất nắng gió “địa linh, nhân kiệt” tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 5.600 mô hình nông nghiệp, trong số đó hơn nửa do Agribank (chi nhánh Hà Tĩnh) trực tiếp hỗ trợ vốn vay. Vốn từ Agribank được tập trung chủ yếu đầu tư phát triển sản phẩm hàng hoá chủ lực của địa phương như chăn nuôi bò, hươu, lợn, nuôi tôm, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, trồng rau sạch, đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ…
Tại Hà Tĩnh, hơn một nửa trong số 5.600 mô hình kinh tế nông nghiệp
do Agribank trực tiếp hỗ trợ vốn
Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều người dân các miền quê Hà Tĩnh có cuộc sống ấm no từ phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Gia đình anh Lê Khánh Toàn ở xóm 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang là một trong những mô hình đó.
Năm 2011, nhận thấy vùng đất này phù hợp với cây cam, hai vợ chồng anh quyết định vay Agribank- chi nhánh Vũ Quang hơn 200 triệu đồng. Đến nay trang trại cam của gia đình anh rộng 9 ha với khoảng gần 2.000 gốc cam bù, cam chanh. Mỗi năm thu hoạch từ trang trại khoảng 800 tấn cam các loại, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Hay gia đình ông Lê Xuân Bính ở xã Xuân Long, được biết năm năm trước, ông Bính vay Agribank Hương Sơn số tiền 3,3 tỷ đồng cùng với vốn tự có đầu tư trang trại nuôi đến 450 lợn nái.
Đến nay, doanh thu mỗi tháng từ trang trại đạt hơn 300 triệu đồng, lãi khoảng 170 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 14 lao động ở địa phương với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng…
Còn tại huyện Đức Thọ, với sự tiếp sức nguồn vốn 4,2 tỷ đồng từ Agribank chi nhánh Đức Thọ, gia đình anh Nguyễn Thái Huy (xóm Tân Quang, xã Đức Lạng) có trong tay trang trại nuôi lợn nái quy mô 350 con cho năng suất cao. Ngoài các trang trại trên, còn có thể kể đến nhiều mô hình từ vốn vay Agribank.
Agribank luôn nỗ lực để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế
Đơn cử như mô hình chăn nuôi tổng hợp, doanh thu hàng năm 10 tỷ đồng của gia đình ông Lê Văn Bình ở Nghi Xuân; mô hình chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Như Chiến ở Cẩm Xuyên cũng có doanh thu hàng năm lên đến gần 8 tỷ đồng...
Tỷ phú vùng biên giới
Cuộc sống của người dân thôn bản xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đổi thay từng ngày. Thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng kiên cố cạnh kề vườn cam sum xuê trái ngọt, chen lẫn đồi chè nối nhau xa xa... Được biết, xã nhiều năm qua xuất hiện các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Nơi đây có nhiều nông dân nay được vinh danh là “tỷ phú cam sành”, đi lên làm giàu ngay từ mảnh đất vườn, thửa đồi của gia đình.
Những vườn đồi cam trĩu quả của nông dân Hà Giang nhờ sự đồng hành của Agribank
Qua thống kê sơ bộ của cán bộ địa phương, xã có điển hình các hộ như gia đình ông Phạm Quang Lân, Trần Văn Phong, Ngô Quang Tuấn hằng năm thu về từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng từ thu hoạch cam đặc sản và thu hái chè.
Cụ thể, vợ chồng ông Trần Văn Phong ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo trước đây có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chủ yếu làm ruộng là chính. Nhận thấy ưu thế của đất đai thổ nhưỡng phù hợp giống cam sành, gần 20 năm trước, ông bà quyết định vay vốn Agribank thông qua chi nhánh Bắc Quang để trồng cam.
Nhớ lại thời kỳ đó, có năm giá cam trên thị trường xuống ngưỡng thấp nhất, từ 3.000 đồng xuống có khi còn 500 – 800 đồng/kg. 17 tấn cam rớt giá hồi năm 2000 làm ông bà lỗ tới 60 triệu đồng! Sau thất bại nặng nề, ông bà chán nản, muốn từ bỏ ý định trồng và chăm sóc cam. Đất của gia đình để hoang hóa nhiều năm, kinh tế gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn...
Người nông dân không chấp nhận thất bại. Ông lên phương án sản xuất, chăn nuôi và tiếp cận nguồn vốn từ Agribank, mạnh dạn đề đạt với các cán bộ Agribank Chi nhánh Bắc Quang, Hà Giang. Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông Phong đã lặn lội gần xa, đến nhiều nơi học làm kinh tế, cả kinh nghiệm trồng cam như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất.
Vào mùa chăm sóc và thu hoạch cam, gia đình ông có hôm thuê gần 10 nhân công, qua đó tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là người dân ở địa phương. Có năm gặp thuận lợi, gia đình ông thu hoạch được gần 200 tấn cam, trừ chi phí tiền thuê nhân công và chăm sóc cam, gia đình thu lãi khoảng 1,8 tỷ đồng để tái đầu tư thâm canh, tăng sản lượng, chú trọng bảo đảm chất lượng với khách hàng.
Theo số liệu thống kê, thôn Vĩnh Sơn có đến 97% các hộ trồng cam. Ước tính cứ 03 hộ thì có 02 hộ trong thôn vay vốn từ Agribank để phát triển kinh tế. Nhiều gia đình vay hàng trăm triệu đồng. Với người dân địa phương, cây cam được xác định là cây chủ lực, cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi để người dân vươn lên, làm giàu bằng công sức và trí lực của chính mình.
Những chính sách tín dụng của Agribank cũng dành nguồn vốn ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao
Những năm qua, bằng những chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi, Agribank đã và đang tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Qua đó đã đóng góp tích cực xây dựng nhiều mô hình nông dân làm ăn, phát triển kinh tế thành công, bộ mặt nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt.
Khấm khá nhà nông thành thị
Tại khu đồng trũng, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), không ai là không biết tỷ phú Nguyễn Đăng Bảy. Cán bộ của Agribank chi nhánh Đông Anh tự hào giới thiệu với đoàn phóng viên đó chính là khách hàng truyền thống lâu năm của Agribank (chi nhánh Đông Anh, Hà Nội).
Từ chỗ gần như hai bàn tay trắng, đến thời điểm này, doanh thu từ trang trại tổng hợp mang lại cho gia đình ông khoảng 3-4 tỷ đồng/năm. “Nếu không có Agribank chi nhánh Đông Anh, chắc chắn tôi không có được cơ ngơi ngày hôm nay”, ông Bảy cho hay.
Kinh tế trang trại ở Đông Anh, Hà Nội được "hồi sinh" với sự tiếp sức của Agribank
Ông tâm sự rằng nghề chăn nuôi đã ngấm vào máu nên rất đam mê. Nhưng để làm ăn lớn, dứt khoát phải có vốn lớn. Chi phí đầu tư mỗi trang trại gà hết khoảng 3 tỷ đồng, trang trại lợn nái 400 con khoảng 12 tỷ đồng.
Từ chỗ vay 7 triệu đồng, hiện ông đang có dư nợ 20 tỷ đồng ở Agribank. “Bất kỳ dự án kinh doanh nào của chúng tôi cũng được Agribank tư vấn tận tình, chính xác, và Ngân hàng cũng giám sát quản lý vốn rất chặt chẽ. Không chỉ có hộ gia đình tôi, mà nhiều trang trại khác đều luôn có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Agribank chi nhánh Đông Anh. Có thể nói, các trang trại tại Đông Anh “sống” lại nhờ Agribank chi nhánh Đông Anh”, ông Bảy cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đăng Bảy
Chủ tịch UBND xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội, ông Trần Văn Sáng cho biết, chỉ riêng xã Tiên Dương có tới 34 trang trại lớn, trong đó có 14 trang trại đã được công nhận chính thức. Hầu hết các trang trại lớn này đều được hình thành và phát triển nhờ nguồn vốn vay Agribank. Hộ ít thì cũng vài trăm đầu lợn, còn nhiều lên tới vài ba nghìn con.
Ông Sáng cũng khẳng định, Agribank chi nhánh Đông Anh là một trong những NH mà bà con nông dân tại địa phương yêu quý và rất tin tưởng. Từ món vay vài triệu đồng đến vài chục tỷ đồng đều được NH tạo điều kiện tốt nhất, thủ tục nhanh gọn để người dân có thể tiếp cận được vốn kịp thời. Bà con vì thế cũng yên tâm và chủ động làm kinh tế hơn. Đặc biệt, lãnh đạo chi nhánh rất mạnh dạn tạo điều kiện cấp tín dụng cho bà con đầu tư mở trang trại.
Bên cạnh đó, muốn đồng vốn thực sự giúp bà con đổi đời, NH cử cán bộ quản lý rất sát sao, thường xuyên xuống địa bàn cùng với cán bộ xã theo dõi hiệu quả sử dụng vốn. Vốn đầu tư của Agribank là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của xây dựng nông thôn mới, mà điểm nhấn là thay đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.
Nhờ bám chắc địa bàn, lăn lộn với bà con nông dân, cùng với nhiều chính sách tín dụng linh hoạt, nên tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đến 31/12/2016 đạt 5.857 tỷ đồng, tăng 1.062 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 22,5%. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 5.851 tỷ đồng, chiếm hơn 99% tổng dư nợ cho vay...
Từ những mô hình điển hình đề cập ở trên trong vô số mô hình làm ăn giỏi cả nước, có thể khẳng định rằng, với phương châm hoạt động không để một nông hộ nào thiếu vốn sản xuất kinh doanh khi có nhu cầu đã thể hiện quyết tâm của Agribank khi phục vụ địa bàn “Tam nông”.
Nguồn vốn Agribank đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã, đang phát huy hiệu quả
Agribank giúp người dân làm giàu để giải quyết việc làm cho nông dân khác bằng những chính sách cho vay với lãi suất linh hoạt hợp lý, tạo sự tin tưởng cho người dân với ngân hàng và ngân hàng với khách hàng trong mỗi dự án sản xuất kinh doanh… Từ nguồn vốn vay đã giúp nông dân có hướng đi phù hợp để nâng cao đời sống, đóng góp tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên mọi miền quê.