dd/mm/yyyy

Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội

Cởi trần trùng trục, cơ bắp căng vồng, Huân chống thuyền đi vun vút giữa mênh mông đồng sen, tưởng như anh hai lúa ở miệt sông nước xa lắc, xa lơ nào đó…


Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Chống thuyền đi hái sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một thuở ruộng hoang


Có hàng chục người vẫn ngày ngày miệt mài thu hái như vậy trên đầm sen một chủ lớn nhất miền Bắc, thậm chí lớn nhất cả nước này - 50ha. Làm một phép so sánh đơn giản, diện tích sen của huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp chỉ 150 - 200ha trong khi có hàng trăm gia đình trồng, hộ nào sở hữu cỡ 1 - 2ha đã là lớn. Nơi là đầm sen khổng lồ đó, ít ai ngờ, chỉ cách đây vài ba năm vẫn là những thửa ruộng hoang ken kín bèo tây, cỏ lăn, cỏ lác lút đầu, ngày đêm muỗi mòng kêu như sáo thổi.

Người đã mang cả Tháp Mười ra “đặt” giữa lòng Hà Nội ấy là anh nông dân Lã Quang Khanh người thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.

Liễu Trì vốn nổi tiếng về nghề trồng hoa. Trước đây anh Khanh cũng như bao người làng khác tuần tuần đeo bình trên lưng đi phun thuốc cho 5 - 7 sào hồng. Hoa tuy cho kinh tế cao nhưng khó tính, cần chân đất khô ráo, cần chăm sóc đặc biệt, để đảm bảo thu nhập lại phải có diện tích lớn nên anh dần chán.

Mải mê hoa, những ruộng lúa một vụ quanh đầm của làng bị bỏ bê, hộ lâu đã để hoang cả chục năm, hộ mới cũng vài ba năm. Một ngày nhìn cánh đồng hoang ấy anh bỗng nảy ra ý tưởng thuê để trồng sen nhưng vấp phải bức “tường thành” là định kiến của hơn 500 hộ, nơi mỗi nhà trung bình có 1-2 sào.


Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Một đóa bạch liên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm đầu tiên, 2017, anh nhờ trưởng thôn thông báo cho toàn thể dân làng ra hội trường họp để đàm phán mức 25 kg thóc/sào/năm. Chỉ có khoảng 200 hộ đồng ý với diện tích cỡ 20ha còn đa số lắc đầu bởi ngại đào đắp mất mốc giới và quan trọng nhất là lo mất quyền lợi khi giải phóng mặt bằng về sau này.

Những hộ không đồng tình còn vận động, gây sức ép với nhà đã nhất trí  cho thuê, bắt phải để ruộng hoang tiếp. Bởi thế anh chỉ nhận về một cánh đồng lỗ chỗ kiểu “xôi đỗ” rất khó canh tác.

Năm đầu tiên anh trồng giống sen quỳ, loại ít cánh, chuyên dành để lấy hạt nhưng thường bị lũ chuột leo ngang lưng cây khiến đài ngả cong xuống vì trọng lượng rồi chễm chệ ngồi lên trên đó mà ăn. Khi ăn hết, chuột lại bơi sang tấn công một đài sen khác bằng một phương pháp y hệt. Mỗi tối, mỗi con có thể hạ gục dăm bảy đài.

Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Một góc đầm mênh mông sen trắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Suốt 3 tháng hè đám công nhân trầm mình xuống bùn, chịu gai sen đâm xây xước cùng mình để thu hoạch từng bát sen về tẽ hạt. Mỗi kg hạt bán được 40.000 đồng nhưng công hái trả theo ngày đã 300.000 đồng, thu không đủ bù chi khiến anh lỗ mất cỡ hơn 100 triệu.

Năm 2018 anh quyết định tự đi vận động người dân cho mình thuê lại ruộng hoang. Vào những ngày thu tiền điện anh đến hội trường thôn, gặp bà con, ai cũng ngỏ ý muốn thuê với cam kết giữ nguyên hiện trạng ruộng. Táo bạo hơn anh còn cam kết khi dự án vào, trả tiền đền bù hoa màu trên đất thì sẽ chia đôi, dân một nửa, mình một nửa.

Lần này đa số đã đồng tình. Với một số hộ vẫn còn băn khoăn, anh đến từng nhà vận động một. Trên 500 tờ giấy viết tay theo dạng thỏa thuận được anh cất kỹ ở trong két. Giữ đúng như cam kết, khi dự án mở đường chạy qua lấy mất 2ha, đền bù hoa màu mỗi sào 5 triệu, ai có ruộng đều được hưởng một nửa. Tuy vậy đến tận bây giờ vẫn có vài hộ thà bỏ ruộng hoang chứ không muốn cho thuê…

Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 4.

Thoăn thoắt những thuyền sen vào bờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sen trồng một lần là thu mãi, sức sống khỏe nên gần như không bệnh tật. Dưới đầm sen anh thả cá trắm đen, cá chuối - những loại có vảy dày và cứng chịu được đám gai sắc nhọn của hoa. Rễ, thân sen lọc nước, lá che mát cho tôm tép sinh sôi. Một thời gian sau sinh thái trở lại cân bằng, dưới nước lươn, trạch, rắn mòng, cà cuống tìm về, trên trời cò, vạc, sâm cầm kéo đến khiến cho cánh thợ săn từ Nghệ An, Thanh Hóa cũng tìm ra, ẩn nấp trong đám cỏ làm anh phải nhọc sức mà xua đuổi.


Sen đền đáp ân tình


Với 50ha đất trong tay, việc đầu tiên là anh thuê hơn 20 người vớt bèo, cắt cỏ rồi cho máy xuống lồng cho bật đám rễ kết tầng tầng, lớp lớp bên dưới mất cả tháng ròng mới xong, sau đó tháo nước vào ngâm đợi khi cho phân hủy hết thì trồng sen.

Lần này anh chọn sen hoa như bách diệp (sen hồng hồ Tây, có trăm cánh) vừa thu hoa trưng bền được 2 ngày, vừa dùng để ướp trà, như giống bạch liên kép (sen trắng) bông to, cánh nhiều, thơm bền được tới 3 ngày nhưng không ướp trà được.

Sau đông thân sen lụi chỉ còn củ vùi sâu dưới bùn đợi đến lập xuân nở thành sen trang, lá là là mặt nước, thích hợp để đem đi cấy.  Tháng tư sen trổ lá, vươn cao thành cây. 19/5 sen bắt đầu ra bói, 2/9 thì lại tàn.

Quãng thời gian đó, mỗi ngày anh thu trên 2 vạn bông, trong đó sen trắng 1,5 vạn, sen hồng nửa vạn. Ngay cả khi sen khắp nơi đang rộ nhưng bạch liên của đầm nhà hái đến đâu, thương lái vẫn chờ thu mua ngay trên bờ đến đấy với giá bán không mặc cả 3.000 đồng/bông.

Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 5.

Thuyền sen cập bến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sen hồng phải thu từ sáng sớm quãng 4 - 7 giờ, trước khi có nắng bởi lúc đó bông mới thơm, ướp trà mới đượm.

Người xưa làm trà sen khô cầu kỳ đến mức lấy bông về tách gạo, cứ một lớp trà lại một lớp gạo, dưới cùng là nước để lấy độ ẩm cho cánh trà đàn hồi đủ hút đẫm hương sen rồi loại bỏ gạo, mất đúng 7 ngày.

Quá trình đó lặp đi lặp lại 7 lần như vậy tức 49 ngày, để cánh trà tự khô mới đóng gói. Lại có cách làm trà sen xổi là ướp trực tiếp trên cây, tức thả trà vào bông rồi buộc lại đợi đến sáng mai thu. Mỗi lao động bơi thuyền cả buổi chạy đua với ánh bình minh cũng chỉ ướp được cỡ 40 - 50 bông.

Giờ trung bình mỗi buổi anh ướp tới 1.000 bông bằng cách cắt sen về, thả trà vào trong rồi buộc lại, cắm vào nước. Qua một đêm, bông sen ngậm no hương được hút chân không rồi giữ trong đông lạnh...


Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 6.

Kiểm đếm sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Khanh bảo, cùng là giống sen hồng bách diệp nhưng sen hồ Tây do thổ nhưỡng, do nước, tiểu vùng khí hậu nên bông bao giờ cũng to hơn, hương nhiều hơn, bán giá gấp đôi, gấp ba nơi khác.

Ngoài hái buổi sáng dành để ướp trà, sen còn được thu buổi chiều dành để kịp phiên chợ đêm cho khách hàng bày lọ. Nhiều người giờ đây vẫn lẫn lộn sen với quỳ, tôi cũng vậy nên anh dạy cho cách phân biệt.

Bông sen quỳ chỉ có cánh to bao ngoài mà không có các lớp cánh nhỏ bên trong, đầu thâm thâm còn sen bách diệp có các cánh nhỏ xếp bên trong, đầu tươi sắc hồng. Sen quỳ cắm chỉ 1 ngày là tụt rụng còn mỗi cuống còn sen bách diệp 2 - 3 ngày dù rụng cánh to vẫn còn những cánh nhỏ, và hương thơm ngát hơn. Sen trắng bạch liên kép cũng có kết cấu giống như sen hồng bách diệp.

Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 7.

Chân dung ông chủ đầm sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có hướng đi đúng nên đến năm thứ hai đầm sen đã sinh lãi 300 triệu còn năm nay cầm chắc mức trên 500 triệu và trên hết là tạo công ăn việc làm cho cỡ 20 lao động.

Những việc nhẹ nhàng như thả trà, ướp hoa cũng được 300.000 đồng/ngày còn nặng hơn như chống thuyền đi hái sen, chịu gai cào, chịu nắng nóng phải cỡ 700.000 - 800.000 đồng/ngày.

Kỷ lục nhất có anh Huân ở xã Tiền Phong mỗi buổi hái 2.000 bông, mỗi bông được trả công 500 đồng, thành ra đút túi bạc triệu.

Người mang cả Tháp Mười ra "đặt" giữa lòng Hà Nội - Ảnh 8.

Ướp trà sen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một ngày của người chủ đầm này bắt đầu từ 4 giờ sáng, giao hoa xong cho thương lái 7 giờ mới được ăn, làm trà sen đến tận chính ngọ mới ăn trưa, chiều bắt đầu từ 2 giờ đến 9 giờ tối mới được dùng bữa và chỉ chịu đi ngủ lúc 12 giờ đêm.

Ngoài đầm sen, chẳng cần điều hòa mà lúc nào gió cũng như có quạt mát, buổi nào về nhà ở trong làng là anh không ngủ được vì đã quen mùi hương, quen với những tiếng móng nước của những con cá nặng 10 - 20kg.

Anh ấp ủ, tới đây mình sẽ thành lập HTX sen để tận dụng lao động nhàn rỗi, để đa dạng hóa sản phẩm, ngoài hoa sen, trà sen, hạt sen như hiện tại còn có kẹo sen, rượu sen, trà lá sen giảm mỡ máu, ngó sen, củ sen…

Dương Đình Tường