dd/mm/yyyy

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương

Người đàn ông ấy là anh Nguyễn Thiên Thành (1968), trú tại xóm 12, xã Thanh Tiên. Ngôi nhà nằm cạnh Quốc lộ 46C đi qua địa bàn xã, rộng rãi, thoáng đãng và dường như lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười. Vợ chồng anh mở một tiệm tạp hoá và sửa chữa điện dân dụng, bảng quảng cáo in to 2 chữ “Chiên Thành” – là tên của 2 vợ
Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 1.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 2.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 3.

Người đàn ông ấy là anh Nguyễn Thiên Thành (1968), trú tại xóm 12, xã Thanh Tiên. Ngôi nhà nằm cạnh Quốc lộ 46C đi qua địa bàn xã, rộng rãi, thoáng đãng và dường như lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười. Vợ chồng anh mở một tiệm tạp hoá và sửa chữa điện dân dụng, bảng quảng cáo in to 2 chữ “Chiên Thành” – là tên của 2 vợ chồng; nhưng khiến người ta chú ý hơn cả là dải băng rôn màu đỏ bắt qua trước cửa tiệm: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” Anh Thành bảo, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói đúng lắm, tấm lòng thiện lương, đức độ là điều cần có, nhưng không phải để mong được người khác ghi nhận, không phải để mong được trả ơn và cũng không phải để phô trương hay trang sức cho bản thân, mà “để gió cuốn đi…” Sống như vậy mới thanh thản, bình yên!

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 4.

Người đàn ông ấy đón tiếp chúng tôi với lòng hiếu khách nhiệt thành, song lại rất đỗi kiệm lời khi nói về việc làm tốt đẹp của bản thân mình. Anh luôn miệng từ chối lời đề nghị “lên báo”: “Có chi mô, việc tui làm có chi đáng kể mô, chỉ là trồng mấy cái cây thôi mà…” Nhưng anh Thành ơi, giữa cuộc sống bao bộn bề mưu sinh này, giữa xiết bao vội vã gấp gáp này, còn mấy ai được như anh, lặng lẽ gieo những mầm xanh vào lòng đất, không chỉ cho mình mà còn cho đời, cho người – những mầm xanh không chút vụ lợi, tính toan!

Anh bắt đầu trồng những cái cây đầu tiên vào năm 2014, nhưng ý tưởng trồng cây cho cuộc sống đẹp hơn đã được ấp ủ từ lâu. Vợ anh bị bệnh tim, hàng tháng phải xuống TP. Vinh để khám và lấy thuốc. Trong những lần 2 vợ chồng xuôi phố, điều làm anh ấn tượng nhất không phải là cảnh nhà tầng, cao ốc xôn xao, mà là những hàng cây được trồng thẳng tắp dọc hai bên đường. Những hàng cây xanh, những bồn hoa nở rực rỡ cũng thu hút anh khi đến với một số di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh. “Thấy cây được trồng đẹp quá, tôi nghĩ, quê mình cũng có thể đẹp được như vậy. Nhưng quê nghèo còn bao việc phải lo, chính quyền chưa trồng đồng bộ được, thế thì sức mình đến đâu mình làm đến đó. Quê là quê chung, đẹp là đẹp chung, ai cũng được thụ hưởng cả!” – anh Thành tâm sự thật tình.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 5.

Nghĩ là làm, trong những lần xuôi ngược việc gia đình, việc mưu sinh, anh luôn chú ý xem có nhánh cây non nào mọc hoang, hoặc gia đình nào có cây phượng vĩ mọc nhánh mới tươi tốt, anh đều tìm đến để xin về trồng. Ban đầu trồng quanh xóm, rồi trồng xen kẽ dọc theo Quốc lộ 46… Mỗi lần định trồng ở đâu, anh đều đến hỏi ý kiến chính quyền địa phương; đặc biệt, khi trồng cây ở Quốc lộ, anh luôn chú ý không vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Cách đây mấy tháng, tình cờ có dịp đi ngang qua Trường Tiểu học Thanh Liên, thấy trường vừa xây dựng còn trống trải bóng cây xanh, anh vào gặp thầy giáo hiệu trưởng để xin được trồng cây cho trường. 15 cây phượng vĩ lần lượt được anh chở về, đặt vào trong những bồn cây thẳng tắp. Những nhánh non chưa cao quá đầu người, nên thi thoảng, anh lại chở phân đạm đến để chăm sóc. Anh “cam kết” với thầy hiệu trưởng, sẽ chăm cây cho bằng lớn thì thôi, nếu nhỡ có cây nào không sinh trưởng được, anh sẽ lại đến trồng thay thế! Lời “cam kết” chẳng vì một ràng buộc vật chất nào, mà đến từ tâm niệm làm đẹp cho đời, và niềm mong mỏi để thế hệ trẻ thơ trên quê hương được sống trong bầu không khí trong lành, xanh sạch.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 6.

Với tâm niệm ấy, từ 5 năm nay, anh Nguyễn Thiên Thành đã lặng lẽ gieo bao mầm xanh vào đất. Anh cho biết, “mùa” trồng cây của anh thường bắt đầu vào dịp đầu xuân năm mới, hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn trong năm, hễ có duyên gặp được cây non tươi tốt, thấy khoảng đất trống có thể đặt cây vào, là anh trồng, không kể số lượng. “Có năm trồng được khoảng 60 cây, có năm ít hơn. Tính đến nay tôi đã trồng được chừng 160 cây.” – anh Thành nhẩm tính sơ qua. Con số có thể không chính xác tuyệt đối, vì anh chẳng bao giờ cố công nhớ lấy để làm gì. Với anh, trồng một cái cây như gieo một niềm hy vọng: hy vọng cuộc sống sẽ ngày càng tươi đẹp hơn; và niềm hạnh phúc lớn nhất chẳng vì bất kỳ sự vinh danh nào, mà đến từ những bóng lá xanh rì, những chùm phượng vĩ đỏ thắm như một sự báo ân.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 7.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 8.

Gia đình anh Nguyễn Thiên Thành không phải là gia đình giàu có về vật chất. Bản thân anh là bộ đội phục viên, học nghề sửa chữa điện gia dụng rồi mở cửa hàng phục vụ dân cư địa phương; vợ anh nương vào sạp hàng tạp hoá. Nhưng gia đình anh lại có được một sự “giàu có” khác, ăm ắp trong những cảm nhận thương mến, cảm phục của lãnh đạo xã Thanh Tiên và đông đảo người dân trên địa bàn. “Một gia đình mẫu mực về mọi mặt, cuộc sống vợ chồng êm ấm hạnh phúc, con cái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn; luôn nhiệt tình với công việc của họ hàng, làng xóm, quê hương!” – ông Nguyễn Trọng Bảy – Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên tấm tắc nói.

Người đứng đầu chính quyền xã còn thân tình kể những “chuyện lạ” về anh Thành: Thấy ngõ nhỏ quanh co, anh mang sơn ra viết bảng cảnh báo “đi chậm, bấm còi” để hạn chế tai nạn giao thông; Thấy sân bóng của xã san lấp nền còn lổn nhổn, trẻ em ra đá bóng nguy cơ vấp ngã, anh bỏ tiền túi, thuê thợ đến đằm phẳng; Đi trên đường thấy cục đá, khúc gỗ rơi vãi nguy hiểm, anh dừng lại để nhặt bỏ bên lề… Thu nhập chính của gia đình đến từ cửa tiệm sửa điện dân dụng, nhưng với những khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, anh đều cân đối giá cả hợp lý.

Trò chuyện thêm với bà con chòm xóm, chúng tôi càng ghi nhận những điều “lạ lùng” về người đàn ông này: Một người luôn nghĩ tốt về người khác, luôn “gạn đục khơi trong” để nhìn nhận những điều tích cực. Anh luôn tin rằng thẳm sâu mỗi người đều ẩn chứa bao điều tốt đẹp! “Như ban đầu tôi trồng cây, có nhiều người cũng nói này, nói nọ, nhưng tôi vẫn cứ lặng lẽ trồng, dần dần mọi người cũng ra hỗ trợ. Dân mình tốt lắm, người mang xô xách nước tưới cây, người góp phân góp đạm…” – anh Thành tâm tình.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 9.

Ngay cả một số chuyện không vui gặp phải trong quá trình trồng cây, anh cũng xem đó như là chuyện thoáng qua. “Cũng có lúc cây trồng xuống bị chết, liên tục vài ba lần như vậy, ở ngay một vị trí. Tôi cũng nghĩ xiên nghĩ xẹo chứ, nhưng rồi tự nhủ: Thôi thì giờ chưa hiểu, dần dà họ cũng hiểu ra thôi! Mà đúng vậy, trồng lại đến lần thứ 3, thứ 4 thì cây sống được, phát triển tươi tốt đến bây giờ.” – anh Thành cười, chia sẻ.

Anh cũng không cho rằng những điều nhỏ bé mình làm mỗi ngày lại là điều gì đó “lạ lùng”, đáng được tôn vinh. Với anh, những chuyện giản dị thường nhật ấy diễn ra như một lẽ đương nhiên, bởi “là công dân, ai cũng có phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội”.

“Sơ đời cụ thân sinh anh Thành cũng vậy, cụ là bậc lão thành cách mạng, một lòng tận tuỵ với Đảng, với dân. Những năm cuối đời, dù tuổi đã cao, cụ vẫn là tấm gương sáng về sự hiếu học khi rất đam mê đọc sách, báo; trong các cuộc họp, cụ vẫn nhiệt tình đóng góp ý kiến xây dựng quê hương.” – Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên chia sẻ.

Trong ngôi nhà anh Thành hiện nay có một gian phòng thoáng đãng, với 2 dãy giá sách san sát nhau, cùng nhiều thùng các tông cũng xếp đầy sách, báo các loại. “Là của cha tôi để lại đấy!” – anh Thành nói. Mỗi khi nhắc đến cha, anh Thành đều rưng rưng nước mắt. Người đàn ông đã đi gần nửa đời người, gương mặt hằn bao dấu vết thời gian dầu dãi, vẫn đỏ hoe khoé mắt khi nghĩ về dáng cha, bóng mẹ.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 10.

“Cha tôi mê đọc sách lắm. Ngày xưa, nhà nuôi 7 đứa con, cơm có khi không đủ ăn nhưng hễ dành dụm được chút ít là cha lại đi mua sách. Không có tiền mua sách mới, cha mua sách cũ, rồi về tỉ mẩn ngồi dán gáy, bọc bìa…” Noi gương cha, các con trong nhà ai cũng mê đọc sách và học tốt. Chị gái anh Thành từng là học sinh giỏi có tiếng ở huyện, sau đó giành được học bổng du học ở Nga và hiện tại đang làm việc, định cư ở Australia. Cũng ham học như các chị, nhưng vì nhiều lý do, anh Thành không tiếp tục học lên cao mà chuyển sang làm thợ, ở quê nhà để gần gũi mẹ cha. Thi thoảng, sau những giờ lấm lem dầu mỡ, đôi bàn tay thô ráp của anh lại lật giở những trang sách hay về đạo làm người, về kỹ năng sống. Lòng hiếu học, sống nhân nghĩa, mẫu mực đã trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo, để rồi đến đời anh Thành, cũng theo nếp nhà mà truyền lại cho con.

Lòng hiếu học và nỗi tiếc nuối vì đã không theo con đường học vấn đến nơi, đến chốn cũng chính là lý do mà người đàn ông này chọn cây phượng vĩ để trồng khắp các nẻo đường. “Màu hoa phượng đỏ tượng trưng cho tuổi học trò nhiều khát vọng, ước mơ. Tôi mong rằng mỗi khi bạn trẻ nhìn vào màu hoa ấy sẽ sống trọn vẹn với thanh xuân, sống có lý tưởng, đừng phí hoài tuổi trẻ!” – anh Thành bộc bạch.

Người đàn ông “kỳ quặc” ở Thanh Chương - Ảnh 11.

Nội dung: Phước Anh Ảnh: Phước Anh Thiết kế - Kỹ thuật: Chôm Chôm