Ngày 22/12/2020, lễ khánh thành Đình làng Đồng Quan (xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) được tổ chức long trọng với sự tham dự của lãnh đạo chính quyền, các ban ngành chức năng TP. Hải Phòng, cùng đông đảo người dân trong xã và khách thập phương.
Chứng tích lịch sử vô giá
Công trình được xây dựng mới trên nền đất của đình làng Đồng Quan xưa, tọa lạc trong quần thể Di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Bảo Quang Tự.
Đình Đồng Quan là nơi thờ tự Đức “Thái Bảo Đô đốc Quận công Phạm Viết Kính” cùng vợ là “Quận chúa Phu nhân Trịnh Khiết Thuần”, con trai là “Lưỡng Quận công Phạm Viết Trung”
Đình Đồng Quan mới có cấu trúc bao gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung, chiều rộng 9m, dài 14,15m; mái đình thiết kế theo kiêu cổ “đao Tàu, réo nóc”, lợp ngói mũi hài, đắp các linh vật; hiên quyện “Bát vần”; các cột hiên, cột đèn, tác môn, các bậc lên, xuống, nền nhà…đều làm từ vật liệu là đá tự nhiên; đình bằng gỗ. Tường xây đá tổ ong, nền đình lát đá xanh, bậc lên xuống cột ngoài đều bằng đá cách điệu. Sân đình lát gạch tezzaro... Ngoài ra, hệ thống cửa tam quan, tường bao, nhà bia công đức, nhà khách…được xây dựng mới, mang tính thẩm mỹ cao, hệ thống cây xanh (trong đó có cây Duối cổ có tuổi đời hơn 400 năm) đã tạo nên sự đồng bộ, bề thế và linh thiêng của ngôi đình làng quê miền Châu thổ sông Hồng.
Được biết, Đình Đồng Quan là nơi thờ tự Đức “Thái Bảo Đô đốc Quận công Phạm Viết Kính” cùng vợ là “Quận chúa Phu nhân Trịnh Khiết Thuần”, con trai là “Lưỡng Quận công Phạm Viết Trung”.
Tương truyền, dưới triều đại nhà Mạc cuối thế kỷ 16, cụ Phạm Viết Kính được sinh hạ tại ngôi làng Đồng Quan, một người văn võ toàn tài, mang chí lớn vệ quốc yên dân. Vào thời đó cuộc chiến Nam - Bắc triều đã kéo dài mấy mươi năm, khiến nhân dân lầm than, cực khổ, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Là người đức độ, thương dân, cụ Phạm Viết Kính đã ra phò giúp triều đình nhà Mạc, được phong tới chức Thái Bảo đô đốc Quận công.
Vào năm Sùng Khang thứ 3 (tức năm 1572), cụ được triều đình ban ơn cho xây dựng ngôi chùa Bảo Quang Tự và đình tại quê nhà (làng Đồng Quan). Đến ngày 10/4/1578, công trình hoàn thành. Tiến sỹ Đỗ Uông - (Thượng thư Bộ Lại) đã trực tiếp chép văn bia ghi lại sự kiện này. Đến nay văn bia vẫn được lưu giữ, trở thành chứng tích lịch sử.
Sau khi nhà Mạc sụp đổ, vợ chồng cụ Phạm Viết Kính về quê ở ẩn. Về sau vua Lê chúa Trịnh lại vời cụ ra giúp nước rồi cử cụ vào trấn ải vùng Thuận Hóa. Hai cụ đã quy tiên tại đó. Triều đình thương xót, sắc phong cho vợ chồng cụ là Thành hoàng được thờ tự tại Đình làng Đồng Quan. Qua các triều đại, vợ chồng cụ được nhiều sắc phong, hiện nay còn giữ lại được 7 đạo sắc phong (gồm 2 sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1853; 1 sắc phong năm 1880; sắc phong của vua Đồng Khánh năm 1886, vua Duy Tân năm 1909, năm 1924 vua Khải Định sắc phong cho cụ là “Hiền lương dực bảo trung hưng nghĩa dũng uy linh Phạm phủ quân tôn thần”, gia tặng là “Quang ý trung đẳng Thần”; vợ của cụ được sắc phong là “Phúc diện hy công chính thuần chính dực bảo trung hưng thiên quan tôn thần”; gia tặng là “Linh thúy trung đẳng thần”. Vua cũng phong sắc cho con 2 cụ là “Lưỡng Quận công Phạm Viết Trung” và cho thờ phụng cùng cha mẹ tại đình Đồng Quan. Năm 1992, chùa Đồng Quan được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Xuất tâm báo hiếu quê hương
Trải qua 2 cuộc chiến tranh loạn lạc, chùa và đình Đồng Quan đã hư hại, xuống cấp trầm trọng. Người dân địa phương tha thiết mong muốn trùng tu, tôn tạo lại các công trình văn hoá tâm linh đặc biệt quan trọng này. Vì ngôi đình không chỉ là nơi thờ phụng tổ tiên, người có công với nước, mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng, thông qua đó gắn kết tình làng nghĩa xóm, hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng dân cư văn hoá, đoàn kết, phát triển. Tuy nhiên việc này không dễ dàng gì trong điều kiện một làng quê thuần nông.
Là người con sinh ra tại làng Đồng Quan, với tấm lòng báo hiếu quê hương, thấu hiểu nguyện vọng của bà con cô bác, cựu chiến binh Dương Xuân Ly (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Vận tải Đồng An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã xuất tâm ủng hộ hàng tỷ đồng để giúp đỡ chính quyền và nhân dân địa phương tiến xây mới công trình đình Đồng Quan. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, người cựu chiến binh hằng sản, hằng tâm này còn huy động đông đảo cán bộ, công nhân viên trong công ty trực tiếp thi công các hạng mục. Ngày đêm bám sát công trường để đôn đốc, kiểm tra, giám sát công việc. Nghĩa cử của anh đã lan toả khắp xóm thôn. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng bà con đã hăng hái góp của, góp công để cùng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành công trình ý nghĩa này chỉ sau hơn 140 ngày đêm lao động liên tục.
Được biết sau khi xuất ngũ, với bản lĩnh anh Bộ đội cụ Hồ, Dương Xuân Ly đã mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực xây dưng và vận tải. Đến nay, công ty Đồng An của anh đã có quy mô hàng nghìn người, thi công xây dựng nhiều công trình tầm cỡ ở khắp đất nước, là đối tác tin cậy của các “ông lớn” như Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn VinGroup…
Tâm sự về lý do giúp đỡ quê hương xây đình Đồng Quan, anh Ly nói: “Là một người con sinh ra và lớn lên ở làng Đồng Quan, trưởng thành trong quân đội, may mắn thành đạt trong kinh doanh nhưng 2 tiếng quê hương luôn khắc sâu trong tôi. Mong ước làm được gì đó cho miền quê nghèo nơi chôn nhau, cắt rốn luôn thúc giục tôi phải làm được điều gì đó thật ý nghĩa để báo hiếu miền đất này. Và rồi tâm nguyện xây dựng lại nơi thờ Thành hoàng của người dân đã đến với tôi thật đúng lúc”.
Hai tiếng quê hương luôn khắc sâu trong tôi. Mong ước làm được gì đó cho miền quê nghèo nơi chôn nhau, cắt rốn luôn thúc giục tôi phải làm được điều gì đó thật ý nghĩa để báo hiếu miền đất này.
Cựu chiến binh, doanh nhân Dương Xuân Ly
Được sự đồng thuận, nhất trí, chung sức, chung lòng của lãnh đạo địa phương và dân làng, anh Ly đã đảm nhận vai trò chủ đầu tư công trình với số tiền tài trợ lớn. Còn thiếu đâu anh chủ động ứng ra cho công trình, coi như cho làng “vay”, khi nào trả lại anh sẽ đầu tư tiếp cho các hạng mục khác trong quần thể di tích này. Ngoài việc “lo” tiền, anh Ly đã sử dụng ngay nhân lực của công ty mình để triển khai thi công, để yên tâm về chất lượng và tính thẩm mỹ, văn hoá của công trình đặc biệt này.
146 ngày thi công liên tục, dưới điều kiện thời tiết nắng nóng, nhưng các tổ, đội sản xuất vẫn bám tiến độ, khắc phục tất cả những khó khăn để tập trung hoàn tất từng phần việc theo thời gian đã định.
“Động lực thúc đẩy tôi dành tâm sức tập trung cho công trình văn hoá tâm linh quan trọng này của quê hương, chính bởi câu xưa: “Đình chùa tối hảo, thôn xóm bình yên”. Từ sâu thẳm tôi luôn tin tưởng rằng các đấng linh thiêng, Thành hoàng làng hiểu tâm nguyện của con cháu, sẽ phù hộ cho Quốc thái, Dân an, mưa thuận gió hoà, làng xóm kết đoàn để chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc” - Dương Xuân Ly bộc bạch.
Khoé mắt rớm ướt vì xúc động của người cựu chiến binh khi nghe những lời tri ân chân thành, mộc mạc của đại diện dân làng và chính quyền địa tại buổi khánh thành đình Đồng Quan, đã thay mọi lời muốn nói của anh với bà con cô bác. Tôi tin nghĩa cử ấy sẽ có tính lan toả, khơi dậy những tấm lòng vì quê hương trong những người con xa xứ. Bởi lòng tốt, cũng có tính lây lan.