Hoa đào Đặng Cương hiếm nơi sánh được
Cây hoa đào Đặng Cương không chỉ phục vụ cho người dân quê hương Hải Phòng mỗi khi tết đến xuân về mà còn được trồng để phục vụ cho người dân các tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. Nhiều thương lái ở nhiều tỉnh khác đã tìm đến để đặt hàng vì họ cho rằng chất đất và tài hoa của con người nơi đây đã thổi vào hồn cây hoa đào từ bao đời để tạo ra thứ sản phẩm hoa đào có màu sắc và chất lượng hoa không đâu sánh được.
Anh Lê Văn Thời - người dân thôn Trí Yếu chia sẻ: “Thời trước, người dân chủ yếu trồng lúa, cây hoa đào trồng ra cũng chỉ để gia đình chơi tết, biếu người thân. Sau dần, có những tổ chức, cá nhân ở khu vực lân cận thích hoa đào tìm đến mua. Cứ độ 20 tháng Chạp, cánh đồng của các thôn lúc nào cũng đông vui như mở hội. Nhờ có cây hoa đào Đặng Cương mà vài năm trở lại đây gia đình tôi cũng có thu nhập ổn định, so với cấy lúa và hoa màu thì cây hoa đào cao hơn gấp bội lần”.
Anh Thùy Hùng - người Đồng Dụ chia sẻ: “Trồng đào không phải là nghề nhàn nhã, nhưng chịu khó mày mò để tạo thế, tạo dáng cho cây theo thị hiếu của người chơi thì lại trở thành công việc để làm giàu của gia đình. Những cây đào nhiều năm to như cây cổ thụ, chất lượng hoa đẹp, bắt mắt, thế, dáng chuẩn, người chơi cũng phải thuê của chủ vườn với giá từ 50- 70 triệu đồng; số còn lại từ vài chục hoặc vài triệu đồng người chơi mới có thể được sở hữu cây hoa đào ngày tết”.
Tăng giá trị cho hoa đào truyền thống
Ở xã Đặng Cương, mỗi người trồng đào có thể được ví như một nhà khoa học bởi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn chăm sóc, tỉa cành, ngắt lá,… cho đến việc chủ động can thiệp khi thời tiết không thuận lợi để sao cho hoa đào nở đúng vào dịp tết.
Anh Bùi Viết Dân là những người đầu tiên trồng đào trong làng, có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật tạo thế cho cây. Anh cho biết: Hàng năm, phải cất công đi tận Mộc Châu, Sơn La mua gốc đào lớn đem về, sau đó ghép với mắt đào của vườn nhà. Qua nhiều công đoạn kỹ thuật khác nhau mới có thể tạo ra một thứ đào cao cấp hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Yên - người làng Đồng Dụ cho biết: Thu nhập của các hộ cũng phải phụ thuộc vào mức đầu tư của từng gia đình. Những gốc đào cho thu nhập cao vẫn là những gốc đào cổ thụ. Tại các vườn đào cao cấp này đều có thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng mỗi năm. Nhiều gia đình chỉ từ trồng đào và cây cảnh đã xây nhà đẹp, mua xe hơi và sắm công cụ sản xuất hiện đại.
Ông Bùi Xuân Khải - Chủ tịch Hội nông dân huyện An Dương cho biết: Đến nay, tổng diện tích trồng hoa cây cảnh trên toàn huyện An Dương là 340ha, tập trung chủ yếu ở các xã Đặng Cương, Đồng Thái, Hồng Thái, Quốc Tuấn, Lê Lợi. Ngoài các giống cây cảnh như đào, quất, hải đường, trên địa bàn huyện còn có nhiều loại hoa khác như: Lay ơn, hoa ly, hoa hồng cổ Hải Phong, hoa lan và các loại hoa truyền thống khác. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà đời sống ngày càng ấm no, khấm khá.