Clip: Phun thuốc cho cây quế bằng máy bay không người lái.
Tại lớp tập huấn, các hội viên nông dân đã được trang bị kiến thức và kỹ năng về phương pháp điều tra, nhận biết các loài sâu hại và phòng trừ sâu đo hại quế theo hướng hữu cơ.
Hướng dẫn cách điều tra sâu hại quế ngoài hiện trường; thành phần loài sâu hại quế; đặc điểm hình thái, vòng đời, lịch phát sinh của sâu đo hại quế; phòng trừ sâu hại quế theo hướng hữu cơ. Tiến hành điều tra ở rừng trồng theo 2 phương pháp, cụ thể là điều tra theo tuyến và điều tra theo OTC.
Theo đó, đối với phương pháp điều tra theo tuyến sẽ tiến hành điều tra ở 3 cấp tuổi (5 năm = 1 cấp tuổi); trên các tuyến điều tra tiến hành thu mẫu các loài sâu hại và xác định vùng quế bị các loài sâu hại nặng, từ đó tiến hành lập các OTC.
Tiến hành thu các mẫu sâu hại (lá, thân, cành ngọn, chồi, ngọn và rễ) trên tuyến điều tra và sử dụng kéo cắt cành chuyên dụng kết hợp với thang và ống nhòm để thu mẫu sâu hại; đối với sâu hại thân sử dụng cưa, dao để thu mẫu; đối với sâu hại rễ sử dụng cuốc và kết hợp với dụng cụ chuyên dụng để thu mẫu.
Phương pháp điều tra trên OTC lựa chọn loài sâu hại có mức độ xuất hiện trên 50% số lần điều tra bắt gặp để đánh giá tỷ lệ bị hại và mức độ hại để xác định loài sâu hại chính. Trong quá trình điều tra thu mẫu sâu, bệnh và phân cấp sâu, bệnh hại để từ đó xác định được loài hại chính.
Ngoài ra, các hội viên còn được hướng dẫn về đặc điểm nhận biết và tập tính của loài sâu đo hại quế từ sâu non đến sâu trưởng thành; tập tính và lịch phát sinh của các loài sâu...
Từ đó, triển khai các biện pháp thủ công, bẫy, lâm sinh tiến hành thực hiện định kỳ 2 lần/năm (vào đầu tháng 2 và đầu tháng 7), thực hiện chăm sóc rừng như phát dọn dây leo và cỏ dại lấn át quế, bón phân NPK hoặc phân vi sinh, bón cách gốc 30 - 40 cm, tỉa thưa...
Đặc biệt là phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiến hành phun khi chỉ số hại của sâu đó ở mức 23% và phun nhắc lại sau từ 7 đến 10 ngày nếu tỷ lệ hại không giảm và ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Sử dụng các loại hoạt chất Abamectin hoặc có vi khuẩn Bacillus thuringiensis var. kurstaki 16.000 IU + Granulosis virus 108 PIB; phun hai lần, nếu sau lần phun thứ nhất điều tra vẫn thấy có sâu hại thì phun nhắc lại lần hai (lần hai sau lần một từ 7 đến 10 ngày).
Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, phun vào buổi sáng sớm và chiều tối (khi trời không mưa), điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển tốt ở nhiệt độ từ 27 - 32°C và độ ẩm từ 80 - 90%. Phun thuốc đều cho toàn bộ cây, số lượng cây cần phun, phun ướt mặt trên và mặt dưới lá phun từ chân đồi lên đỉnh đồi và phun xuôi theo chiều gió.
Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng có hàng trăm ha cây quế đang bị sâu đo ăn lá gây hại, nhiều diện tích quế bị nhiễm mật độ cao.
Do đó, lớp tập huấn này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hội viên nông dân trồng quế để người dân có thêm kiến thức và kỹ năng về phương pháp điều tra, nhận biết các loài sâu hại và phòng trừ sâu đo hại quế theo hướng hữu cơ. Chủ động lựa chọn phương pháp phù hợp để phòng, trừ sâu bệnh hại cho cây quế hiệu quả.