Trở lại mảnh đất Mường É vào những ngày tháng 4 này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng trong xây dựng nông thôn mới của mảnh đất còn nhiều gian khó này.
Điều khiến chúng tôi thấy thực sự ấn tượng khi quay lại Mường É là hình ảnh những vạt nương, mảnh đất đồi trồng ngô, sắn trơ trọi sau khi thu hoạch đã không còn nữa. Thay vào đó là sắc xanh của các vườn cây ăn quả, cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã Mường É là đồng chí Quàng Văn Chinh – Bí thư Đảng ủy xã. Vừa rót ly chè ấm mời khách, anh Chinh hồ hởi kể: “Trước đây, Mường É vốn nổi tiếng là vùng đất của sự đói nghèo, lạc hậu, nhưng bây giờ khác xưa nhiều lắm nhà báo à”.
Theo ông Chinh, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Mường É luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thuận Châu. "Huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cây Chanh leo, cây Chè cho người dân Mường É trồng nên diện mạo của vùng đất này mới đổi thay như ngày hôm nay. Chúng tôi cũng xác định, muốn xây dựng NTM bền vững chỉ còn cách nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách vận động bà chuyển đổi sang trồng những cây giống có giá trị kinh tế cao phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của xã” – vị lãnh đạo xã Mường É bộc bạch.
Cây Chanh leo bắt đầu bén rễ với mảnh đất Mường É từ tháng 4.2017, với sự hỗ trợ giống 100% của huyện. Vốn quen làm nương ngô, nương sắn nên khi đưa Chanh leo vào trồng, nhiều hộ dân Mường É vẫn còn e ngại, rụt rè về tính khả thi của loài cây này.
"Để tạo điểm tựa vững chắc cho người dân, tôi và đồng chí Quàng Văn Xiến – Chủ tịch UBND xã cùng 6 hộ dân mạnh dạn trồng thử 6,6ha. Sau 4 tháng trồng và chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty Nafoods Tây Bắc, Phòng NN&PTNT huyện, Chanh leo cho bói lứa đầu tiên, quả sai, to và mẫu mã rất đẹp. Năm đó, Chanh leo được Công ty thu mua với giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, với sản lượng trên 150 tấn quả, thu được hơn 2 tỷ đồng” – ông Chinh kể với giọng hồ hởi.
Thấy Chanh leo đem lại giá trị kinh tế cao, ông Chinh cùng với lãnh đạo xã tích cực vận động, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cho các hộ khác.
Ông Chinh cho biết thêm: Đầu năm 2018, Nhà nước không còn hỗ trợ giống nhưng nhiều hộ dân đã tự nguyện đến trụ sở xã đăng ký trồng Chanh leo. Xã tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu để đăng ký giống qua Công ty Nafoods cho bà con.
Hết năm 2018, tổng diện tích Chanh leo trồng mới của xã tăng lên 35,21 ha. Đầu năm 2019, tổng diện tích toàn xã 41,81 ha, trong đó 13 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trung bình 30 tấn quả/ha. Hiện, giá bán Chanh leo dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, có lúc lên tới 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Nhờ trồng Chanh leo, nhiều hộ nông dân từ hộ nghèo đã phất lên thành hộ khá giả. Một số hộ chỉ trồng từ 5.000m2 – 6.000m2 đã cho thu nhập 200 – 300 triệu đồng, đặc biệt có hộ Quàng Văn Che trồng 3 ha Chanh leo, cho thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi từ 50% – 60%.
Ông Chinh chia sẻ, cùng với Chanh leo, mấy năm trở lại đây cây Chè trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Mường É. Đến nay, Mường É có hơn 200 ha Chè Kim Tuyên và Chè lai, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 20 ha. Sản lượng bình quân đạt từ 7 – 8 tấn/ha với năm đầu tiên thu hái và tăng dần lên các năm sau đó.
Được biết, so với các loại cây trồng khác, cây Chè luôn có mức giá ổn định 7.000đ/kg tươi. Chỉ với 1ha trồng chè, mỗi năm, thu nhập các hộ trồng chè có thể đạt từ 40 đến 50 triệu đồng.
“Nhà tôi bắt đầu trồng Chè từ tháng 6.2011, với diện tích 1,5 ha. Cây giống được Nhà nước cho không và hỗ trợ phân bón trong 3 năm liên tiếp. Hiện nay, sản phẩm Chè của tôi được Công ty TNHH Thân Nga Phổng Lái (Thuận Châu) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Năm 2018, tôi thu được 17,6 tấn, với giá bán ổn định 7.000đ/kg, thu hơn 120 triệu. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 80 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao gấp 3, gấp 4 so với trồng sắn, ngô” – ông Lò Văn Dủng, bản Nà Vai, xã Mường É, bảo vậy.
Bằng những giải pháp thiết thực trong phát triển sản xuất nông nghiệp, hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 15 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2 lần so với năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm 10,42% so với năm 2017 (tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 59,92%).
Có thể khẳng định, bước đầu cây Chè, Chanh leo đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân Mường É nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ gìn an ninh - trật tự ở cơ sở. Đây là nền tảng quan trọng để Mường É hoàn thành tiêu chí thu nhập, hộ nghèo trong lộ trình xây dựng NTM sắp tới.
Ông Quàng Văn Chinh cho hay: Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn bà con chăm sóc các diện tích đã trồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng những loại cây phù hợp với tiềm năng, lợi thế của xã như Chanh leo và Chè.