Cầm trên tay chiếc điếu cày hình rồng, anh Tuấn (Hải Phòng) chia sẻ, đây là "siêu phẩm" có 1-0-2 trong bộ sưu tập của anh. Chiếc điếu cày là món quà sinh nhật mà anh được nhận từ một bạn thân thiết.
Để tô điểm, trang trí cho vật phẩm thêm hoàn hảo, anh Tuấn mới nghĩ đến việc dát vàng một số chi tiết. Cụ thể, anh đã tạo hình con rồng uốn lượn trên thân điếu cày bằng vàng 4 số 9, ở miệng có ngậm ngọc ruby.
"Tính tới thời điểm hiện tại, chiếc điếu cày đã được dát vàng tới 3 - 4 lớp. Và sắp tới, tôi dự định sẽ dát thêm nhiều lớp lên trên cho tới khi nào hoàn thiện" - anh nói.
Theo chia sẻ, anh Tuấn vốn là thợ kim hoàn, nên việc dát vàng, tạo hình trên sản phẩm với anh khá đơn giản. Trong đó, toàn bộ vàng dát trên điếu sẽ được cán mỏng và phủ đều.
"Do tôi làm bằng sở thích, đam mê nên lượng vàng dát trên điếu tôi cũng chẳng tính toán là hết bao nhiêu, tốn bao nhiêu. Nếu thấy chưa đủ, chưa đẹp thì tôi lại dát tiếp, thế thôi" - anh kể.
Để chăm sóc "siêu phẩm", anh Tuấn phải thuê "bảo mẫu" đến lau chùi, vệ sinh điếu mỗi ngày. Bởi theo anh, điếu muốn đẹp, lên màu chuẩn thì phải có người đến hút thường xuyên. Thế nên, hàng ngày, anh thường mở cửa cho khách đến tham quan và sử dụng.
"Thời gian để vệ sinh điếu khá là kỳ công và tỉ mẩn. Đơn cử như chiếc điếu hình rồng dát vàng, tôi phải dành ra 30 - 45 phút mỗi ngày chăm sóc " - anh tâm sự.
Anh Tuấn kể, anh bắt đầu chơi điếu cách đây khoảng 1 năm khi điều kiện kinh tế đã dư dả. Hiện anh đã sưu tầm được hơn 20 "chiến binh", trong đó có 3 - 5 chiếc mang vẻ ngoài độc lạ, có giá trị cao. Đặc biệt, chiếc điếu cày hình rồng, miệng ngậm ngọc ruby là chiếc đắt nhất mà anh đang sở hữu.
Theo tiết lộ, "bảo vật" dát vàng hình rồng của anh được một đại gia trong ngành khách sạn trả giá 50 triệu đồng nhưng anh quyết không bán. Bởi anh cho rằng, với anh, chơi điếu là đam mê chứ không phải là những cuộc ngã giá, trao đổi thông thường.
Hình ảnh về một số chiếc điếu cày trong bộ sưu tập của anh Tuấn: