Huyện Đại Lộc nằm bên sông Thu Bồn và Vu Gia, nơi các nhà máy thủy điện xả lũ đổ xuống, trở thành vùng rốn lũ của Quảng Nam
8 người trong nhà bị vùi lấp
Tối 5.11, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng của huyện đang tích cực đào bới tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở nguyên quả đồi tại khu vực Đàn Nước, phía Tây huyện Bắc Trà My.
Theo ông Tuấn, sự việc xảy ra vào khoảng 19h cùng ngày, khu đồi núi nhà ông Bình (thuộc khu Tây Bắc Trà My) bất ngờ sạt lở vùi lấp nhiều người.
Hiện trường một vụ sạt lở ở Quảng Nam
Ngay sau khi nhận thông tin, lực lượng chức năng của huyện đã nhanh chóng có mặt đào bới và đã cứu được 4 nạn nhân trong đống đổ nát ra ngoài. Các nạn nhân bị thương nặng đã được chuyển đi cấp cứu.
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), cho biết thêm: Nguyên nhân là quả đồi giáp thôn Mẫu Cà và Đàn Nước (TT.Trà My, H.Bắc Trà My) sạt lở vùi lấp nhà một người dân tên Bình, khiến 8 người đang ở trong nhà bị vùi lấp.
Ngay sau khi nhận thông tin, lực lượng chức năng H.Bắc Trà My đã có mặt đào bới và đã cứu được 4 nạn nhân trong đống đổ nát ra ngoài. 4 người bị vùi lấp gồm một người đàn ông tên hạnh, 2 phụ nữ và 1 đứa trẻ. Hiện các nạn nhân bị thương nặng đang được chuyển đi cấp cứu.
“Do nhà một người dân tên Mỹ nằm trong diện sạt lở nên cả nhà đã qua nhà ông Bình trú ngụ, thì không may quả đồi sạt lở vùi lấp 8 người trong hai gia đình”, ông Thiệu nói
Ông Thiệu, thông tin thêm hiện lực lượng chức năng vẫn đang tích cực cứu hộ trong đêm để tìm kiếm 4 nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở nghiêm trọng này và điều tra làm rõ số nạn nhân.
Tích cực tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở ở Quảng Nam
Trước đó, theo báo cáo nhanh của H.Bắc Trà My, trong chiều 5.11, sạt lở núi và mưa lũ cũng khiến 2 người chết và 7 người mất tích.
Theo đó, vào lúc 14 giờ ngày 5.11, em Trần Thị Mai ( ở tổ Mậu Cà, TT.Trà My, H.Bắc Trà My), đang ngủ trong nhà thì không may một ngọn núi sau nhà bất ngờ bị sạt lở rồi sập xuống làm căn nhà bị vùi lấp, em Mai cũng bị đất đá đè tử vong.
Đến 16 giờ cùng ngày (5.11), ông Nguyễn Văn Sơn (70 tuổi, ở thôn 3, xã Tà Nú, H.Bắc Trà My), đang ngồi trong nhà thì bất ngờ một ngọn núi gần nhà sạt lở, khiến ông Sơn tử vong.
Tiếp tục đến 17 giờ cùng ngày (5.11), tại khu vực nhà máy thủy điện Trà My 1 và Trà My 2, mưa lớn đã gây sạt lở núi, làm sập toàn bộ nhà máy thủy điện, đã có 3 người mất tích. Hiện lực lượng chức năng đang cố gắng tiếp cận hiện trường.
Lũ lụt ở mức hiểm họa nguy hiểm
Trước tình hình ngập lụt diễn ra diện rộng tại miền Trung, chiều nay (5.11), Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lũ và vận hành liên hồ chứa.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bão số 12 có cường độ tương đương với bão số 10 đổ bộ vào Bắc Trung Bộ vừa qua, song lại đi thẳng vào Khánh Hòa – khu vực nhiều năm không có bão nên gây thiệt hại rất lớn về về người và của.
Bộ NN&PTNT họp khẩn về ứng phó với mưa lũ và vận hành liên hồ chứa
Đáng lưu ý, trước khi bão đổ bộ, dọc tuyến miền Trung đã có mưa to đến rất to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Dự báo mưa to vẫn tiếp diễn 2-3 ngày tới khiến mực nước dồn về vẫn lớn hơn tốc độ xả.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: “Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa nguy hiểm, có thể lớn nhất từ trước đến nay trên toàn tuyến khi cả hồ và sông đều đầy nước".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tình hình thiên tai ở miền Trung đang rất nóng bỏng. Mưa lớn trong những ngày qua đã làm tất cả hồ thủy điện lẫn hồ thủy lợi đều trong tình trạng đầy nước. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, một số nơi trên báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nước lũ đã làm nhiều khu vực ở hạ du Trung Trung bộ và Nam Trung bộ bị ngập lụt trên diện rộng.
“Nhiều lưu vực sông đã vượt quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa”- ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu, để giảm thiểu thiệt hại xảy ra phải tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Các Ban chỉ huy ở các địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn tinh thần phòng chống úng ngập, lũ lụt.
Đặc biệt phải xây dựng các kịch bản ứng phó khi xả lũ từ các hồ chứa đã bị đầy nước, kể cả kịch bản xấu nhất, chủ động sơ tán dân ở vùng hạ du xảy ra xả lũ, không để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Huy động tổng lực lượng tham gia ứng phó với các sự cố do do xả lũ và ngập lụt.
Nhà sập đổ: 1.015 nhà, tăng 389 nhà so với báo cáo nhanh sáng 5/11 (Bình Định 81 nhà, Phú Yên 113 nhà, Khánh Hòa 691 nhà, Đăk Lắk 113 nhà, Đắk Nông 14 nhà, Lâm Đồng 3 nhà).