dd/mm/yyyy

Mưa lũ lịch sử: Nhiều tỷ đồng của nông dân trôi theo dòng nước

Trong đợt mưa lũ lịch sử, mực nước trên các hệ thống sông chính dâng cao ngút, kết hợp với quá trình xả lũ với lưu lượng lớn từ các nhà máy thủy điện đã gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ khu vực hạ lưu khiến hàng tỷ đồng của nông dân trôi theo dòng nước.

Người dân Hà Nội rửa bát, tắm giặt bằng nước lũ, cuộc sống đảo lộn. Nguồn: vnxpress

Qua ghi nhận tình hình thực tế, mặc dù các nhà máy thủy điện như Trung Sơn, Cửa Đạt, Bá Thước… đã chủ động phương án xả lũ từ trước đó. Tuy nhiên do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh đã dẫn đến tình trạng mưa lớn kéo dài, khiến mực nước tại các hồ chứa dâng cao quá cao trình, việc xả lũ sau đó đẩy hàng ngàn hộ dân tại các huyện Thiệu Hóa, Thường Xuân, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa… vào tình cảnh khốn cùng.

Vườn cam của anh Vinh mất trắng vì lũ lụt

Tại huyện Thọ Xuân, nhiều gia đình đã đầu tư những trang trại trồng cây ăn quả quy mô lớn với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Đổ mồ hôi sôi nước mắt, ròng rã tích cực chăm bẵm suốt nhiều năm trời những mong sẽ thu về quả ngọt, ai ngờ mọi thứ bỗng chốc tan biến như bọt biển chỉ trong chớp mắt.

 Mưa lũ đợt này mất khoảng 40 tấn quả

Đầu năm 2013, anh Đỗ Xuân Sơn (SN 1971, trú tại thôn 9, xã Xuân Trường) triển khai thí điểm trên diện tích 2 ha. Công việc kinh doanh bước đầu mang lại hiệu quả giúp anh Sơn có điều kiện nhân rộng mô hình lên 6,5 ha, tập trung trồng chủ yếu cam Vinh (hơn 2.000 gốc) và bưởi da xanh (1.500 gốc), 2 loại cây cho giá trị kinh tế cao.

“Trong vườn có 1.000 gốc cam đã đến kỳ thu hoạch, mưa lũ đợt này mất khoảng 40 tấn quả, vị chi 1,2 tỷ đồng. Tương tự là 500 gốc bưởi da xanh với khoảng 5- 6 tấn thành phẩm, tính với giá thị trường 40 triệu/tấn, nhìn chung mất không dưới 200 triệu đồng. Đau xót quá”.


Toàn bộ diện tích trang trại đều bị ngập khiến gia đình anh Sơn bị thiệt hại nặng nề

Đau nhất phải kể đến trang trại của anh Nguyễn Đình Thọ. Chính thức triển khai mô hình từ tháng 6.2016 trên diện tích 28 ha ở xã Hạnh Phúc, nhìn hàng ngàn gốc cam, chanh, bưởi… ngày một tốt tươi hai vợ chồng phấn chấn vô cùng. Nhưng kể từ thời điểm hồ chứa nước thủy điện Cửa Đạt tiến hành xả lũ vào đêm 10.10, bao nhiêu kỳ vọng đã biến thành nỗi thất vọng tràn trề.

“Lượng nước từ thượng nguồn đã đổ về quá lớn đã nhấn chìm toàn bộ trang trại, sự việc xảy ra quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Dù sau đó đã triển khai nhiều phương án ứng phó nhưng không ăn thua, đến thời điểm này vợ chồng tôi hoàn toàn bất lực”, anh Thọ chán nản.

Thống kê sơ bộ của huyện Thọ Xuân, trên địa bàn có 4.569ha cây trồng bị thiệt hại do lũ

Theo thống kê sơ bộ của huyện Thọ Xuân, trên địa bàn có 4.569 ha cây trồng, 718 ha diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản, trên 3.500 con lợn, 65.000 con gia cầm… bị ảnh hưởng do mưa lũ, tổng thiệt hại ước tính 283 tỷ đồng.

Thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 16.10, số người chết, mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua đã tăng lên 102 người. Trong đó, số người chết là 72 (Sơn La: 6 người; Yên Bái: 15; Hòa Bình: 23; Thanh Hóa: 16; Nghệ An:  9, Hà Nội: 2; Quảng Trị: 1).  Có 30 người được xác định đang mất tích, nhiều nhất là Hòa Bình với 10 người, Thanh Hóa 5 người. Về tài sản, có 222 nhà bị sập đổ hư hỏng; 2.300 nhà di dời khẩn cấp; 49.402 nhà bị ngập. Về chăn nuôi, có 9.300 con gia súc và 290.523 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Bình Minh