dd/mm/yyyy

Môn Giáo dục công dân sẽ được đưa vào xét tuyển Đại học 2019

Năm 2019, các trường đại học thực sự được tự chủ một cách toàn diện, nắm bắt cơ hội này nhiều trường đại học đã mạnh dạn đổi mới phương thức tuyển sinh, mở thêm nhiều ngành đào tạo mới. Trong đó, một số trường xét tuyển thêm tổ hợp mới theo hướng sát với môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Thêm nhiều ngành đào tạo mới

Là một trong các trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2019 rất sớm, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2019 dự kiến tuyển 1.840 thí sinh, các phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT, ĐH Quốc gia TPHCM; dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM; kết quả thi THPT Quốc gia 2019. Năm nay, trường lần đầu tiên xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam theo chương trình THPT quốc tế bằng tiếng Anh, thí sinh trúng tuyển sẽ học chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.

Tuyển sinh ĐH năm 2019 được dự báo có nhiều sự thay đổi so với các năm trước. (Ảnh minh họa: Q.Anh)
Tuyển sinh ĐH năm 2019 được dự báo có nhiều sự thay đổi so với các năm trước. (Ảnh minh họa: Q.Anh)

Sớm được tự chủ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân những năm gần đây luôn mạnh dạn trong phương thức tuyển sinh, mở rộng đào tạo các chuyên ngành gắn với thực tiễn. Năm 2019 cũng không là ngoại lệ, nhiều khả năng các thí sinh sẽ lần đầu được biết đến với chuyên ngành Kinh doanh số do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở trong thời gian tới. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo nhà trường cho biết, trường cũng đang dự kiến một số ngành mới khác như: Quản trị điều hành thông minh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính...

Ngoài ra, theo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2019 của ĐH Kinh tế Quốc dân mới công bố, nhà trường vẫn chủ yếu xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh, đồng thời tiếp tục xét tuyển kết hợp thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” có tổng điểm xét tuyển (bao gồm điểm ưu tiên) của 3 môn thi: Toán và 2 môn bất kỳ của kỳ thi THPT Quốc gia đạt từ 18 điểm trở lên. Đồng nghĩa với việc những thí sinh đáp ứng các điều kiện này sẽ được ưu tiên xét tuyển vào trường.

Còn ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, năm 2019, trường sẽ tuyển sinh một số ngành mới là: Robot và Trí tuệ nhân tạo, Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật Xây dựng, Vật liệu Dệt may, Kinh doanh Quốc tế. Trong đó, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo chỉ tuyển 20 chỉ tiêu, dành cho thí sinh đạt 24 điểm trở lên. Đặc biệt, sinh viên theo học sẽ được miễn giảm hoàn toàn học phí, đào tạo bằng tiếng Anh do giáo viên Việt Nam và quốc tế giảng dạy. Ngành này có sự phối hợp của 3 khoa đào tạo: Cơ khí, điện điện tử và công nghệ thông tin.

Xét tuyển cả môn Giáo dục công dân

Trong các trường đại học công bố phương thức tuyển sinh năm 2019, hầu hết đều áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh, một số đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển được thí sinh đúng nhu cầu. Cụ thể, trong mùa tuyển sinh năm 2019, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh và sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để lựa chọn sinh viên. ĐH Quốc gia TP HCM dự kiến tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực, một đợt trước và một đợt sau kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Ngoài cụm thi TPHCM, Quy Nhơn, Cần Thơ, dự kiến năm 2019, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được tổ chức ở một vài tỉnh Đông Nam Bộ. Đầu tháng 12 tới, ĐH Quốc gia TP HCM sẽ thông tin chi tiết kế hoạch tổ chức kỳ thi này đến thí sinh. Với việc tổ chức 2 đợt thi trong năm, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đều tăng chỉ tiêu sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Dự kiến, các trường dành từ 25% - 50% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này. ĐH Quốc gia TPHCM cũng khuyến khích các trường ĐH ngoài hệ thống sử dụng kết quả kỳ thi đành giá năng lực để xét tuyển.

Năm 2019, nhiều trường đại học cũng bổ sung thêm các khối xét tuyển mới. Cụ thể, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thêm tổ hợp xét tuyển mới cho ngành Toán với tổ hợp xét tuyển D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), tổ hợp các môn: Toán, Khoa học Tự nhiên, Tiếng Anh cho ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và Kỹ thuật Điện tử, Viễn thông (chất lượng cao). Môn Giáo dục công dân (GDCD) cũng được đưa vào tổ hợp xét tuyển ở một số trường như tại ĐH Nông Lâm Huế sử dụng tổ hợp Toán - Sinh - GDCD để xét tuyển nhiều ngành thuộc nhóm trồng trọt, nông nghiệp (công nghệ cao). ĐH Quy Nhơn cũng sử dụng tổ hợp Văn - Sử - GDCD để xét tuyển một số ngành.

Lãnh đạo một số trường đại học chia sẻ, cơ chế tự chủ đại học năm 2019 là cơ sở để các trường mạnh dạn thêm mở thêm các ngành đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH. Từ chỗ tự chủ chỉ 5 ĐH và 23 trường tự chủ ở mức cao, nay Luật quy định mở rộng trong toàn hệ thống. Với các điều khoản mới trong Luật, thời gian và thủ tục hành chính sẽ giảm đáng kể. Nay trường sẽ được quyết định ngay khi có đủ điều kiện. Đó là những cơ chế thúc đẩy cho hệ thống phát triển”.

“Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, các trường tự chủ mở ngành theo các quy định hiện hành về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Các tiêu chuẩn này hiện nay vẫn giữ như trong Luật, đồng thời bổ sung thêm những quy định để đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của các ngành mới mở như, bổ sung các quy định về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường đó ra sao thì mới có thể được mở ngành mới hay nhà trường phải đảm bảo đáp ứng cơ chế kiểm định chất lượng. Ngoài ra, nhà trường phải cân nhắc tới năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu đào tạo đó không”. TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Bộ GD&ĐT)

 

Quang Anh