dd/mm/yyyy

Món canh “giải nhiệt“ ngày hè

Với tôi, những nhành hoa, chùm quả của bạt ngàn cây mọc hoang dại bên vạt rừng, gò bãi... là cả một miền cổ tích bất tận. Sinh ra ở một làng quê ven vùng đồi núi trập trùng, tuổi thơ tôi đi qua những cánh rừng, qua những gò bãi có màu tím hoa sim và thoang thoảng mùi hoa dủ dẻ thật quyến rũ.

Sinh ra ở một làng quê ven vùng đồi núi trập trùng, tuổi thơ tôi đi qua những cánh rừng, qua những gò bãi có màu tím hoa sim và thoang thoảng mùi hoa dủ dẻ thật quyến rũ. Nhưng thật sự gắn bó sâu sắc, với cảm giác rõ mồn một lại là vị chua của tô canh lá giang “giải nhiệt” ngày hè!

Những ngày nắng gắt, lá giang được ưa chuộng hơn cả rau cải, rau muống. Vị chua của nó thanh dịu, ăn vào giải nhiệt, mát ruột, chống say nắng và còn giúp ngủ ngon. Hơn nữa, giữa trời nóng nực, ngồi lâu trong bếp là một cực hình, nấu canh lá giang là nhanh gọn nhất. Lặt lấy lá, bỏ cuống, rửa sạch, vò lá vừa đủ giập nhàu, đừng nát vụn quá. Nước sôi cho lá vào, nêm nếm gia vị xong là nhấc xuống ăn ngay.

Tôi còn nhớ mãi lời ba thường sai bảo trước khi nấu cơm: Đứa nào đi hái nắm lá giang nấu tô canh giải nhiệt! Ba bảo “đứa nào” nhưng tôi ngầm hiểu là mình. Bởi tôi hay lang thang tìm bắt tổ chim nên biết rõ chỗ nào có lùm giang, biết hái những lá nào cho ngon. Lá già ăn chát ngắt, non quá thì vị chua chưa tới, hơi nhạt. Cũng không nên tước các đọt non, vì như thế là đoạn thân cây sẽ bị dị tật ngay chỗ đó, không lớn được nữa hoặc dễ gãy! Vậy nên, tôi vẫn thường chọn những chiếc lá giang có màu xanh sẫm đồng đều, không sâu, chỉ nhìn qua là đã cảm nhận được vẻ tươi non, mát mắt. Còn nơi có lá giang thì lại rất gần: sợ nắng thì nhảy lò cò mấy bước đến bờ rào sau vườn, muốn có lá ngon thì chạy lên gò cách chừng một tiếng cu gù. Trên vùng đất cằn cỗi, vào mùa gió Nam, trong khi loài rau nào cũng đượm vẻ ủ ê, rũ rượi thì lá giang cứ tự nhiên mà mọc, mà lớn, không chê đất cằn, không cần chăm sóc vẫn tươi xanh.

Món canh “giải nhiệt“ ngày hè - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lá giang không kén nguyên liệu đi kèm khi nấu: cá cơm, cá chuồn, cá lóc, cua kình đều ngon; thịt bò, thịt gà, thịt ếch, thịt chuột núi càng không chê vào đâu được! Thậm chí, thời cá thịt đắt đỏ, nhiều bà mẹ lén bắt cóc làm thịt nấu với lá giang, dụ sắp nhỏ là thịt gà để chúng ăn cho có chất, vẫn rất ngon. Đứa trẻ nào bụng ỏng rốn lồi ăn vào ít lâu sau bụng xẹp hẳn. Vị chua chân chất của lá giang còn dung hòa các thức tưởng như là khó nấu chung với nhau nhất: món dé bò! Món này chỉ những ngày giỗ chạp, tiệc tùng, cưới hỏi đặt trước mới có.

Hiếm loài rau hoang dại nào lại trở thành món ăn phổ biến của người dân quê như lá giang. Từ nồi canh “giải nhiệt” trưa hè, nhiều món ngon chế biến với lá giang ra đời, rồi trở thành đặc sản, như câu ca dao sau ca ngợi một trong những món ăn hấp dẫn đó: “Thịt chuột nấu chua lá giang/Chẳng thú gì bằng cái thú đồng quê”.

PHAN VĂN THIÊN

.

Phan Văn Thiên