Ngày 31/8, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 của ngành giáo dục và đào tạo. Trong năm học 2019-2020, quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, được bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp trong tỉnh.
Tỉnh đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục các cấp học
Trong những năm qua, Bắc Ninh luôn nằm trong tốp những tỉnh có phong trào và chất lượng giáo dục dẫn đầu cả nước. Đến nay, tỷ lệ trường học kiên cố hóa, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và là tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục các cấp học – xóa mù chữ ở mức độ cao nhất theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Bắc Ninh cũng là một trong số ít tỉnh đi đầu thực hiện chương trình "Sữa học đường" cho học sinh mầm non và tiểu học...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, chất lượng giáo dục đạo tạo đại trà ổn định ở mức cao, giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Trong số 72 học sinh tham gia thi chọn học sinh giỏi quốc gia, có tới 64 em đạt giải cao.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 501 trường học từ cấp học mầm non đến THPT, trong đó có 466 trường công lập (chiếm 93,6%) với 347.784 học sinh các cấp. Toàn tỉnh có 16.890 biên chế, trong đó 1.200 cán bộ quản lý, 14.658 giáo viên và 1.023 nhân viên trường học. So với năm học 2018-2019, tỉnh Bắc Ninh tăng 5 trường học và 14.019 học sinh các cấp.
Theo ông Ngô Văn Liên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, trong những năm gần đây, số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh, mỗi năm tăng từ 12-15 nghìn học sinh – tương đương với số lượng học sinh của 20 trường.
"Cả tỉnh đang đầu tư tư xây dựng rất nhiều trường, nhưng với tốc độ tăng như trên chúng ta tiếp tục bổ sung tăng diện tích cũng như phòng học để phù hợp, làm sao quy mô học sinh/lớp không vượt quá theo quy định" – ông Liên chia sẻ.
Theo ông Liên, cùng với việc quyền tự chủ cho các trường công lập, tỉnh Bắc Ninh đang quan tâm thực hiện chủ trương hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng phát triển các loại hình trường lớp giáo dục mầm non cũng như giáo dục phổ thông để đảm bảo có học sinh thì có trường lớp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trong năm học 2019-2020, đã có 135 cơ sở giáo dục mầm non tư thục (16 trường mầm non và 119 nhóm lớp độc lập tư thục) được hỗ trợ theo Nghị quyết 149/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 về việc quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2025.
Cùng với việc đảm bảo trường lớp, để có đủ đội ngũ nhân viên, giáo viên giảng dạy trong năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đã đề nghị UBND tỉnh cho hợp đồng lao động 3.096 giáo viên cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT và hỗ trợ kinh phí chi trả khoán định mức nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non công lập năm học 2020 – 2021 là 1.859 nhân viên.
Làm rõ nguyên nhân điểm thi trung bình THPT xếp thứ hạng thấp
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Đào Hồng Lan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được trong thời gian vừa qua. Ngành giáo dục và đào tạo Bắc Ninh đã tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh nhiều chủ trương, chính sách mới về giáo dục vào đào tạo sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Đến với Bắc Ninh, thấy hệ thống trường học của chúng ta có thể nói hầu như các tỉnh không thể thực hiện được như vậy. Trường chuyên của chúng ta nằm trong tóp đầu của cả nước, các trường ở cấp huyện cũng rất khang trang, sạch đẹp, được tỉnh quan tâm, đầu tư" – bà Đào Hồng Lan cho biết.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đánh giá cao việc duy trì và đảm bảo được đội ngũ giáo viên, nhân viên và người lao động toàn ngành đáp ứng với sự tăng nhanh về quy mô học sinh hiện nay. Theo bà Lan, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên có ý kiến đầu tiên với Bộ Nội vụ về chỉ tiêu biên chế giáo viên và nằm trong top các tỉnh được Trung ương cho phép tuyển dụng giáo viên để đáp ứng yêu cầu.
Năm nay, điểm thi bình quân trung bình THPT của Bắc Ninh so với cả nước đứng thứ 26, còn so với 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng thì đứng vị trí thứ 9/10 tỉnh
Bà Đào Hồng Lan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh
Dù vậy, theo bà Đào Hồng Lan, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh cần lưu ý làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục tỷ lệ điểm thi bình quân THPT năm nay đạt thấp, chưa đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân. Năm nay, điểm thi bình quân trung bình THPT của Bắc Ninh so với cả nước đứng thứ 26, còn so với 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng thì đứng vị trí thứ 9/10 tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh đạt 98,81%.
Cùng với đó, ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương quan tâm, chủ động dành quỹ đất cho giáo dục, thí điểm tự chủ một số trường mầm non, phổ thông trên địa bàn khi có đủ điều kiện. "Chú ý những vùng có đông người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ví dụ các KCN ở Yên Phong, Quế Võ… Chúng ta đầu tư phát triển các trường, lớp kể cả công lập và ngoài công lập làm sao đáp ứng được yêu cầu. Công nhân cũng không thể có kinh phí để học các trường ngoài công lập với mức đóng góp quá cao" – bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Đối với năm học 2020-2021, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan lưu ý tổ chức tốt, khoa học, hợp lý Lễ Khai giảng năm học mới tại các cơ sở giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học ổn định ngay sau khai giảng. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và người lao động trong toàn ngành.
Lễ khai giảng năm học mới, lãnh đạo tặng hoa, đánh trống khai trường, không phát biểu
Năm học 2020-2021 có ý nghĩa quan trọng, năm học đầu tiên triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; đồng thời cũng là năm học đầu tiên áp dụng đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 1.
Ông Ngô Văn Liên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, bắt đầu từ 1/9 tất cả các địa phương cho học sinh tựu trường. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc thời gian, lịch học và yêu cầu tất cả các trường triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện phòng, chống, giãn cách ngay từ khi các cháu đến trường.
"Chúng tôi đã tham mưu các cấp lãnh đạo tỉnh, thống nhất trong toàn tỉnh là khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Tất cả các đơn vị tổ chức lễ khai giải chỉ thực hiện phần lễ, không có phần hội. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương đến dự chỉ tặng hoa, đánh trống khai trường và không phát biểu. Các học sinh thực hiện giãn cách theo đúng quy định, đối với phổ thông, những lớp đầu cấp thì đầy đủ các cháu học sinh và các lớp còn lại thì đại diện khoảng 10 cháu, số còn lại thì ở trên lớp".
Để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp cấp phát miễn phí 400.000 tờ rơi, 6.000 áp phích, 700.000 chiếc khẩu trang vải hai lớp (có thể tái sử dụng nhiều lần) trang bị cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên trên địa bàn mỗi cháu 2 chiếc.