Hàng năm cứ vào mỗi mùa mận chín mọng nước, người dân trên khắp cao nguyên Mộc Châu lại tất bật với việc thu hái mận bán ra thị trường để kiếm thêm thu cho nhập gia đình.Tuy nhiên, mận là loại quả dễ hỏng nếu điều kiện bảo quản không đảm bảo. Do đó, HTX đã sáng tạo ra cách chế biến mận thành sản phẩm "mận sấy dẻo thảo dược" được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây là 1 trong những sản phẩm của HTX nằm trong danh mục mỗi xã một sản phẩm OCOP của huyện Mộc Châu. HTX đã đầu tư, trang bị một số máy móc phục vụ cho chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chất lượng của quả sấy.
Để tìm hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất mận sấy dẻo thảo dược, phóng viên báo điện tử Trang Trại Việt đã tìm đến Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Trong cuộc trò chuyện, ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX chia sẻ: "Trước đây, sản phẩm mận thảo dược chưa được chú ý, đa số người tiêu dùng vẫn thích sử dụng quả mận tươi hơn so với mận sấy. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng phát triển của mận sấy, vì mận tươi chỉ dùng được 1 mùa duy nhất, hết mùa thì coi như không còn mận để thưởng thức nữa. Trước thực tiễn như vậy, chúng tôi dự đoán sau này nhu cầu tiêu dùng của khách hàng đối với sản phẩm sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt là vào dịp tết nguyên đán hàng năm, nên chúng tôi luôn kiên trì với sản phẩm của mình".
"Về quy trình sản xuất mận thảo dược, Sau khi thu hoạch và chọn lọc những loại quả mận chín tới tươi ngon, HTX chúng tôi tiến hành tách hạt, rồi đưa vào sơ chế. Qúa trình sơ chế sẽ làm mận không bị lên men và làm sạch các loại vi khuẩn, làm sạch phấn nấm bám ở ngoài quả mận bằng hệ thông ô dôn. Trong hệ thống sơ chế, chúng tôi có hệ thống áp suất để làm giảm thủy phần của quả mận, việc làm này sẽ giữ cho quả bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bước tiếp theo, chúng tôi cho mận vào hệ thống thùng kín và nơi có nhiệt độ thích hợp để tạo thành mận dẻo. Từ loại mận dẻo này, chúng tôi tiếp tục ướp mận sấy dẻo với các loại nước chiết xuất từ thảo dược như củ mùi Mỹ, đương quy, củ đinh năng tạo nên 1 hương vị đậm đà và tốt cho quá trình tiêu hóa. Chính những hương vị đó đã làm nên tính chất riêng biệt của mận sấy dẻo thảo dược"- ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 thông tin thêm.
Để đảm bảo đủ nguyên liệu thảo dược dùng cho chế biến mận, Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 đã giao cho các thành viên trong HTX trồng Đương Quy, củ mùi Mỹ, Đinh Năng với diện tích khoảng 5ha. Tất cả các quy trình chăm sóc thảo dược, đều được Ban giám đốc HTX kiểm tra rất nghiêm ngặt nên chất lượng luôn được đảm bảo. HTX hầu như không nhập bất kỳ thảo dược nào từ bên ngoài để ướp mận.
Là 1 trong những thành viên của HTX, ông Giàng A Chàu, bản Bó Nhàng (xã Vân Hồ), cho hay: "Trước đây chưa tham gia HTX, tôi hay bán tươi cho các thương lái dưới xuôi được từ 10 -12 tấn/vụ, cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Nhưng từ khi tham gia HTX, tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành, tôi thấy cây mận phát triển và ra quả nhiều hơn. Mỗi vụ thu hoạch mận tăng từ 15 – 17 tấn/vụ, 6.000m2 mận hậu của gia đình tôi chủ yếu bán cho HTX, bình quân 1 năm cho thu nhập 150 triệu đồng, cao hơn so với trước".
Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, cho biết: "HTX có 50 thành viên, các thành viên này đều có thu nhập cao từ việc tham gia chế biến mận dẻo thảo dược. Để sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, các thành viên đều được tập huấn, đào tạo chuyên môn bài bản. Ngoài ra HTX chúng tôi còn phối hợp với các đối tác nước ngoài ở Pháp, mỗi năm đều có đoàn về kiểm tra giám sát. Sau mỗi mẻ sản phẩm ra lò, chúng tôi đều gửi mẫu xuống Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia kiểm nghiệm, nên chất lượng luôn được bảo đảm an toàn".
Hiện nay, sản phẩm mận sấy dẻo thảo dược của HTX được hỗ trợ thiết kế bao bì, từng bước xây dựng thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, HTX còn kết nối với các đơn vị kinh doanh thực phẩm trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi nhất. Qua đó, giúp người trồng mận và người làm mận sấy dẻo thảo dược có thu nhập cao từ loại cây trồng đã gắn bó nhiều năm nay với huyện Mộc Châu.