Do nuôi lợn liên tục thua lỗ, nhiều hộ dân ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã bỏ chuồng chuyển sang nuôi gà bán Tết
Tiếng thở dài nơi “thủ phủ” lợn
Theo ghi nhận của phóng viên Trang trại Việt tại Văn Giang - “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất tỉnh Hưng Yên, vào thời điểm giá lợn lao dốc “xuống đáy” khoảng dưới 20.000 đồng/kg (giá thấp nhất từ trước đến nay), nhiều nông dân đã phải bán đổ, bán tháo để hạn chế thiệt hại.
Đến các trang trại chăn nuôi ở xã Tân Tiến, hay đi đến trang trại khác vào những ngày này, chúng tôi đều thấy cửa cổng khóa chặt, họa hoằn lắm mới có người ra vào. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Na ở xã Tân Tiến cho hay: “Lợn rớt giá kỷ lục, nông dân vỡ nợ cả rồi, giờ có người lạ đến làng là bà con lo lắm, chỉ sợ chủ cám hay ngân hàng cho người đến siết nợ thì khổ”.
Anh Na cho biết: Đầu năm 2016 thấy giá lợn lên cao, hai vợ chồng anh quyết định cầm cố tài sản để vay tiền đầu tư xây trang trại nuôi lợn. Nhưng nào ngờ đúng lúc lứa lợn đầu tiên đến ngày xuất chuồng thì giá lợn lại quay đầu giảm sâu khiến cho gia đình anh trở tay không kịp.
Ông Hoàng Văn Điền đổ cám cho đàn lợn ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Yên Mô (Ninh Bình).
Bên cạnh trại lợn của gia đình anh Na, hộ anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Tân Tiến cũng đang rơi vào tình cảnh cùng cực. Anh Hiếu cho biết: Trang trại của anh đang có trên 100 con lợn đã đến tuổi bán nhưng không thể xuất chuồng. “Chưa năm nào giá lợn lại giảm mạnh như năm nay, đã thế thương lái cũng mất hút khiến cho người nuôi càng thê thảm, đau xót hơn”, anh Hiếu chia sẻ.
“Ngày trước lợn ăn khoai, ăn sắn, giờ lợn ăn hết sổ đỏ, ăn cả thịt người rồi!”, anh Hiếu thở dài.
Nằm trong tốp các trang trại nuôi lợn quy mô lớn ở Hưng Yên, anh Dương Thành Tú, chủ trang trại lợn ở huyện Văn Giang như "ngồi trên đống lửa" khi hàng trăm con lợn đến kỳ xuất chuồng mà thương lái trả giá vô cùng thấp.
Anh Tú cho biết, đầu năm 2016 giá lợn lên cao kỷ lục, có lúc lên trên dưới 50.000 đồng/kg nhưng giờ giá đã xuống quá sâu, có thời điểm xuống dưới 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình anh đã phải gánh lỗ khoảng hơn 1 tỉ đồng. Với hy vọng giá lợn sẽ hồi phục trở lại, gia đình anh đã cố gắng cầm cự chăm sóc đàn lợn, nhưng đến lứa này giá bán còn bi đát hơn khi thương lái chỉ trả với mức chưa đến 30.000 đồng/kg.
“Đến giờ này thì giá bao nhiêu cũng phải bán tống bán tháo lợn đi, chứ càng nuôi càng tốn kém, mà lợn quá lứa giá lại càng rẻ hơn”, anh Tú nói.
Ông Phạm Văn Tiến, từng là chủ trang trại lợn có thu nhập "khủng" ở Bắc Ninh nhưng đến giờ gia đình ông cũng đang lao đao vì lợn. Hiện nay ông Tiến vẫn đang chăn nuôi lợn nhưng theo hướng an toàn và nuôi ở quy mô nhỏ. "Hiện, tôi đang nuôi lợn thường với thức ăn rau, cám nấu. Mong rằng từ nay đến cuối năm thịt cho mọi người đụng dần may ra còn cửa lãi chứ nuôi công nghiệp thì lỗ lắm", ông Tiến chia sẻ.
Chuyển nuôi cá, gà bán Tết
Sau đợt lợn mất giá vừa qua, dù là hộ bị thiệt hại ít, nhưng hiện gia đình bà Phạm Thị Thương ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) đang "ôm" số nợ lên đến hàng chục triệu đồng chưa biết bao giờ mới trả được. Để vớt vát lại ít vốn, gia đình bà Thương đã phải "cắn răng" đi vay tiền người thân để đầu tư nuôi gà lai chọi, mong rằng cuối năm xuất chuồng sẽ có lãi.
Lợn rớt giá khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần
Bà Thương cho hay: "Đau xót quá, bao nhiêu năm nuôi lợn không lường trước được năm vừa qua giá lợn xuống thấp thê thảm như thế, giờ đành phải bỏ lợn nuôi gà để cứu gia đình thôi".
Vào những ngày này, bà Thương đang ở nhà chăm sóc nuôi trên 1.000 gà lai chọi thả vườn, chồng bà phải đi làm xây dựng để kiếm tiền nuôi con ăn học. "Chưa năm nào chăn nuôi thua lỗ như năm nay, không riêng gì hộ tôi mà các hàng chục đến hàng trăm hộ nuôi lợn khác ở trong và ngoài huyện bị thiệt hại nặng, có hộ "trắng tay" cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường", bà Thương ngậm ngùi.
Cùng trong tình trạng thua lỗ như gia đình bà Thương, hộ ông Phạm Văn Minh ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cũng đang lâm vào đường cùng, số nợ mà gia đình ông đang "gánh" lên đến cả trăm triệu đồng gồm tiền cám, thuốc thú y...
Đáng nói, sau nhiều tháng cầm cự, mới đây ông Minh đã phải bán tống, bán tháo đàn lợn nái, thịt đi để "cắt lỗ", song gia đình ông vẫn phải chịu lỗ nặng. Sau khi xuất hết lợn, ông Minh đã chuyển sang sử dụng, thiết kế lại chuồng thành nơi nuôi cá chuối.
"Nghề nuôi cá sạch cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn và nông dân phố đang phát triển tốt, mong rằng lứa cá gần 1.000 con này của tôi sẽ đủ trọng lượng để phục vụ kịp thị trường Tết Nguyên đán 2018 sắp tới", ông Minh chia sẻ.
Nhiều hộ chăn nuôi hy vọng giá gà sẽ tăng trong dịp Tết
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), dự kiến năm nay sẽ giảm khoảng 800.000-850.000, thậm chí có thể giảm đến 900.000 hộ nuôi lợn. Trao đổi với phóng viên Trang trại Việt về tình trạng này, ông Tống Xuân Chinh - Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng: "Dù số nông hộ chăn nuôi lợn có giảm nhiều, đó là hệ quả của việc phát triển quá nóng. Tuy số hộ nuôi giảm nhưng số lượng lợn vẫn sẽ còn rất lớn vì sản lượng lợn nuôi ra trong thời gian qua đã vượt quá mức so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cũng vì thế, sản phẩm của chúng ta phải phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, một khi đối tác ngừng là chúng ta tiêu thụ khó khăn ngay".
"Việc tổ chức giải cứu lợn trong thời gian vừa qua cũng chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài chúng ta phải chấp nhận cơ chế của thị trường. Nếu người nông dân không thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến thị trường thì sẽ rất khổ và chịu thiệt thòi lớn", ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Bởi lẽ khi giá lợn có lên một vài giá thì các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có tiềm lực, có đàn nái lớn lên đến cả chục nghìn con, họ chỉ cần huy động một vài tháng là sẽ tràn ngập lợn trên thị trường.
"Nếu muốn tồn tại thì các nông hộ phải chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ gắn phát triển du lịch sinh thái thì may ra mới chăn nuôi bền vững được", ông Chinh khuyến cáo.