dd/mm/yyyy

Loại quả “thơm lừng, ngọt mát” nhưng 90% người Việt không biết tên

Loại quả này gắn liền với tuổi thơ của những thế hệ lớn lên ở miền Tây Nam Bộ, nhưng với người dân thành phố, đây là thứ quả lạ, nhiều người chưa từng được ăn thử.

Cây cám có tên khoa học Parinari Annamensis (Hance) J.E. Vidal, thuộc bộ Sơ Ri (Malpighiales). Loài cây này mọc khá phổ biến ở các rừng thường xanh, thưa ở độ cao dưới 800m, ưa đất cát hay đất lẫn đá ẩm.

Cây phân bố nhiều ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Tại Việt Nam, cây cám thường mọc dại ở nơi gần sông nước khu vực miền Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Cây cám là một loài thân gỗ trung bình hay lớn, cao 15-30m, đường kính 30-60cm. Cây có hoa màu trắng, xếp thành chuỳ kép ở ngọn, phủ lớp lông ngắn màu vàng hoe dày đặc.

Loại quả “thơm lừng, ngọt mát” nhưng 90% người Việt không biết tên- Ảnh 1.

Trái cám có hình trứng hay gần hình cầu, dài 4cm, rộng 3cm, phủ nhiều lỗ bì xám, vỏ quả ngoài dày, có nhiều vảy xám bạc, nhân bên trong trái cám có hình thù như con cá. Vậy nên ở một vài nơi, người ta còn gọi đây là trái cá.

Cây càng già, càng to thì quả càng sum suê. Từ khoảng tháng 10 âm lịch kéo dài cho đến ra Giêng là thời điểm trái cám rừng chín, tỏa ra mùi thơm đặc trưng.

Loại quả “thơm lừng, ngọt mát” nhưng 90% người Việt không biết tên- Ảnh 2.

Với những người dân miền Tây, cây và quả cám đã gắn liền với tuổi thơ của họ. Người dân địa phương cho biết trái cám có lớp vỏ dày, khi cắt được lớp cùi sẽ thấy phần nhân màu trắng bên trong có hình vảy cá được xếp thành lớp, có thể bóc tách ra vô cùng độc đáo. Khi còn non, phần nhân này có màu trắng, khi chín đổi sang màu ngà.

Loại quả “thơm lừng, ngọt mát” nhưng 90% người Việt không biết tên- Ảnh 3.

"Phần nhân phía trong có dạng hình con cá, ăn thơm và ngọt. Ngày xưa ở ven sông có nhiều cây cám. Chúng là cây dây leo, thân leo lên các cây lớn ở ven sông nên phải vất vả mới hái được. Đến mùa, trẻ con thi nhau ra trèo, hái, rồi ngồi ngay dưới gốc cây dùng đá đập bỏ phần bỏ cứng bên ngoài để ăn phần ruột bên trong", anh Nhân (ở An Giang) kể lại.

Theo anh Nhân, giờ đây cây cám hiếm lắm, không còn nhiều như trước. Đến mùa, bà con vào rừng hái quả về bán ở chợ quê, hoặc gom lại chuyển lên thành phố nhưng số lượng rất ít.

Ở các chợ quê, trái cám có giá khoảng 30.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng mua được. "Có lần tự dưng nhớ đến những ngày tuổi thơ, thèm hương vị của trái cám, tôi nhờ mẹ lúc nào đi chợ thấy thì mua gửi lên. Lâu lắm mới ăn lại vẫn mê thứ quả dại này, vị của nó ngọt mát. Ngoài ăn trực tiếp có thể lấy phần nhân để dầm đường đá, làm thành món giải nhiệt hấp dẫn. Các con của mình lần đầu ăn cũng gật gù khen ngon", anh Nhân nói thêm.

Loại quả “thơm lừng, ngọt mát” nhưng 90% người Việt không biết tên- Ảnh 4.

Ngoài ra, hạt của loại quả này có rất chứa rất nhiều dầu, dùng trong mỹ phẩm để chế xà phòng cao cấp. Đặc biệt, theo một số nguồn tin, hoa của cây cám rất thơm, như hoa lan vậy và chúng có một công dụng đặc biệt đó là sử dụng làm thảo dược trị một số bệnh.

Trên các diễn đàn về trồng cây, rất nhiều người đã tìm hiểu cách trồng và chăm sóc cây cám để làm cảnh, lấy bóng mát hoặc để lấy trái ăn. Điều kiện trồng rất dễ, có thể trồng ngay trong vườn nhà, hay trên sân thượng và chăm sóc, tưới nước thường xuyên là sẽ sai trái do cây được sinh trưởng tự nhiên, dinh dưỡng được tích trữ từ ánh nắng mặt trời, đất, nước, vi sinh vật, côn trùng và không khí lưu thông tự do.


Minh Hoa (t/h)